Tiếng Việt | English

27/09/2024 - 10:19

Những người 'gieo mầm' ý thức an toàn giao thông

Để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là sự đóng góp của các tuyên truyền viên. Chính sự tận tâm và nỗ lực của họ, nhiều buổi tuyên truyền về TTATGT được triển khai hiệu quả. Qua đó, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương.

Đẩy mạnh tuyên truyền cho công nhân, lao động

Với 28 năm kinh nghiệm làm công tác TTPBGDPL về TTATGT, Trung tá Võ Văn Hiếu - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, luôn nhiệt huyết và có nhiều nỗ lực góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao ý thức của người dân, nhất là lực lượng công nhân, lao động (CNLĐ) trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Trong những buổi tuyên truyền, Trung tá Võ Văn Hiếu - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Đức Hòa, luôn tương tác với người nghe để buổi tuyên truyền thêm sinh động

Năm 2023, Công an tỉnh và Liên đoàn LĐ tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp tăng cường công tác TTPBGDPL về TTATGT trong đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức, LĐ giai đoạn 2023-2025. Ngay từ đầu năm, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Đức Hòa đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, chủ động phối hợp Liên đoàn LĐ huyện, công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức những buổi tuyên truyền về ATGT cho CNLĐ.

Với vị trí giáp ranh TP.HCM và có nhiều khu công nghiệp nên tình hình giao thông trên địa bàn huyện Đức Hòa tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Vì vậy, Trung tá Võ Văn Hiếu tập trung tuyên truyền những nguyên tắc cơ bản như không uống rượu, bia khi lái xe, tuân thủ đúng phần đường và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông. Theo Trung tá Võ Văn Hiếu, khó khăn lớn nhất trong công tác tuyên truyền là tiếp cận CNLĐ. “Phần lớn CNLĐ làm việc suốt ngày, nhiều người tăng ca đến tối và còn phải lo cho gia đình nên việc tập hợp CNLĐ để tổ chức buổi tuyên truyền không dễ. Ngoài ra, sự chênh lệch độ tuổi trong nhóm đối tượng cũng gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, khi đó, phải tìm ra cách tiếp cận phù hợp với cả những người trẻ lẫn người lớn tuổi” - Trung tá Võ Văn Hiếu nói.

Trung tá Võ Văn Hiếu linh hoạt tổ chức các buổi tuyên truyền vào buổi tối hoặc cuối tuần. Trong những buổi tuyên truyền, anh kết hợp đặt những câu hỏi, trả lời đúng sẽ được tặng quà để thu hút sự chú ý và tạo thêm hứng thú cho người tham gia. Với kinh nghiệm lâu năm, anh chú trọng "đánh" vào tâm lý người nghe. Trung tá Võ Văn Hiếu chia sẻ: "Tôi đưa ra những ví dụ thực tiễn, những vụ tai nạn thương tâm xảy ra chỉ vì một hành vi vi phạm nhỏ, ý thức khi tham gia giao thông là yếu tố then chốt. Đó là điều không thể thay đổi ngay lập tức mà cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục".

Những người trả lời đúng câu hỏi được tặng nón bảo hiểm, món quà tuy không lớn nhưng rất thiết thực

Vừa qua, tại buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật LĐ do Liên đoàn LĐ tỉnh và Liên đoàn LĐ huyện Đức Hòa tổ chức, Trung tá Võ Văn Hiếu đã tuyên truyền về ATGT cho gần 200 CNLĐ tại nhà trọ Hoàng Sơn và nhà trọ Thúy An (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa). Anh thông tin tóm tắt về tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh và huyện trong thời gian qua để CNLĐ nắm biết. Bên cạnh đó, anh tuyên truyền về Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. 

Chủ tịch Liên đoàn LĐ huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết: “Trung tá Võ Văn Hiếu rất nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền về ATGT cho CNLĐ trên địa bàn huyện. Anh rất linh hoạt trong cách tiếp cận, giúp CNLĐ dễ dàng nắm kiến ​​thức. Những buổi tuyên truyền của anh sinh động, gần gũi, thu hút sự lắng nghe của người tham gia”.

Tuyên truyền an toàn giao thông đến học sinh, sinh viên 

Năm 2019, Thượng úy Nguyễn Phạm Hoài Châu - cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an thị xã Kiến Tường, về công tác tại Công an thị xã cho đến nay. Dù còn trẻ nhưng với lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, Thượng úy Nguyễn Phạm Hoài Châu trở thành gương mặt sáng trong công tác tuyên truyền về TTATGT cho các đối tượng trên địa bàn thị xã, nhất là học sinh (HS). Theo Thượng úy Nguyễn Phạm Hoài Châu, kế hoạch tuyên truyền được thực hiện ngay từ đầu năm, thường xuyên phối hợp các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức các buổi TTPBGDPL về TTATGT, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, các hình thức xử lý hành vi vi phạm TTATGT cho HS.

Thượng úy Nguyễn Phạm Hoài Châu - cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an thị xã Kiến Tường, dùng cách nói chuyện mới mẻ, gần gũi để phù hợp với lứa tuổi học sinh

Được biết, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ký Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT về tăng cường công tác TTPBGDPL về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025. Thượng úy Nguyễn Phạm Hoài Châu chia sẻ: “Để làm tốt công tác tuyên truyền phải trình bày rõ ràng, dễ hiểu và tạo hứng thú cho người nghe. Với HS, cần được tiếp cận thông tin một cách sinh động, gần gũi. Trong những buổi tuyên truyền thay vì chỉ đọc văn bản luật một cách khô khan, tôi lồng ghép những câu chuyện thực tế, minh họa bằng hình ảnh và video, kết hợp chơi trò chơi, kèm những phần quà nhỏ để giúp buổi tuyên truyền trở nên hấp dẫn hơn”.

Buổi tuyên truyền thường kết hợp với tiết sinh hoạt đầu tuần nên chỉ kéo dài hơn 30 phút, vì vậy Thượng úy Nguyễn Phạm Hoài Châu phải chọn lọc nội dung phù hợp với từng lứa tuổi. Trong đó, anh nhấn mạnh những quy định về độ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, phân loại xe, ý nghĩa của đèn tín hiệu giao thông và hướng dẫn cách đi an toàn cho các em tại những đoạn đường giao cắt.

"HS tiểu học đa số được người thân đưa đón hoặc nếu nhà gần, các em tự đi bộ nên tôi tập trung hướng dẫn các em cách đi bộ an toàn như đi trên vỉa hè bên phải hoặc nếu không có vỉa hè thì đi sát lề đường bên phải theo chiều đi. Với HS THCS và THPT, các em đã sử dụng phương tiện giao thông nên tôi hướng dẫn về các quy định pháp luật liên quan đến việc điều khiển những phương tiện này để các em hiểu rõ và tuân thủ” - Thượng úy Nguyễn Phạm Hoài Châu chia sẻ thêm.

Trước những buổi tuyên truyền, Thượng úy Nguyễn Phạm Hoài Châu luôn chuẩn bị nội dung, chắc lọc những ý quan trọng để bảo đảm thời gian cho buổi tuyên truyền

Trong những buổi tuyên truyền, anh còn nhấn mạnh đến văn hóa giao thông, khuyến khích các em cứu giúp người bị tai nạn khi có thể, giữ thái độ nhường nhịn, văn minh khi lưu thông trên đường; đồng thời, tuyên truyền đến phụ huynh không giao phương tiện cho con em khi chưa đủ tuổi. Để tăng cường trách nhiệm, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự còn cho HS viết cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông. Nhờ vậy, qua từng năm, ý thức chấp hành pháp luật của HS ngày càng cao; các hành vi vi phạm giao thông ở lứa tuổi HS giảm.

Trung tá Nguyễn Thái Sơn - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an thị xã Kiến Tường nhận xét: "Thượng úy Nguyễn Phạm Hoài Châu chủ động học hỏi, sáng tạo trong tuyên truyền pháp luật về giao thông, đặc biệt là đối với HS và thanh, thiếu niên. Cách tiếp cận linh hoạt và sinh động của anh giúp HS nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông”.

TTPBGDPL đóng vai trò rất quan trọng, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, trong đó có sự đóng góp tích cực của các tuyên truyền viên như Trung tá Võ Văn Hiếu, Thượng úy Nguyễn Phạm Hoài Châu./.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết


Web check phạt nguội Nhanh Chóng