Cơ sở may của chị Dương Minh Trang tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động
Công tác giảm nghèo được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong toàn huyện tham gia thực hiện, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Các hội, đoàn thể thực hiện lồng ghép chương trình với các dự án vay vốn, phát triển các mô hình, tổ nhóm tiết kiệm, tổ hợp tác kinh tế, vận động xây dựng nhà tình thương. Các mô hình, tổ nhóm hoạt động hiệu quả như: May gia công quần áo ở xã Phước Lợi, Bình Đức, Long Hiệp; may gia công túi xách xã Phước Lợi; đan đệm bàn xã Tân Bửu; kết cườm ở xã Lương Bình; xe nhang ở xã An Thạnh, Tân Hòa;... Từ đó, tạo việc làm cho chị em không có điều kiện làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp, góp phần tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Chị Ngô Thị Mỹ Diệu, SN 1973, ngụ ấp Lò Gạch, xã Long Hiệp chia sẻ: Trước đây, chồng tôi làm nghề sửa xe, còn tôi chỉ ở nhà nội trợ. Cuộc sống gia đình thiếu thốn. Được biết, chị Trang chủ cơ sở may gia công Sáu Bằng mở cơ sở và đang cần công nhân, tôi đến làm và tính đến nay cũng được hơn 2 năm. Hiện tại, bình quân mỗi tháng tôi có thu nhập trên 3 triệu đồng. Số tiền này giúp tôi có điều kiện nuôi 2 con đang tuổi đến trường, cuộc sống gia đình từ đó cũng ổn định hơn.
Thời gian qua, huyện tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề như: Điện dân dụng, điện lạnh, hàn, nghiệp vụ lễ tân, kỹ thuật trồng cây kiểng, trồng rau mầm,... cho nông dân lao động địa phương và một số ít lao động ngoài huyện. Hầu hết các học viên sau khi kết thúc khóa học đều có việc làm, tăng thu nhập.
Đồng thời, huyện còn tạo điều kiện cho hộ nghèo, học sinh, sinh viên nghèo vay vốn, với tổng dư nợ trên 41,4 tỉ đồng; miễn, giảm học phí cho 3.089 sinh viên, với số tiền trên 2,8 tỉ đồng. Qua đó, giúp hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống; học sinh, sinh viên có điều kiện hoàn thành ước mơ cắp sách đến trường.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi mà chị Dương Minh Trang - chủ cơ sở may gia công Sáu Bằng có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, góp phần giải quyết ngày càng nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. “Gia đình tôi trước đây cuộc sống khá bấp bênh. Chồng làm ruộng, làm hồ, tôi nhận may áo gối, màn cửa bỏ mối ở chợ nhưng gói ghém lắm mới đủ trang trải cho cuộc sống. Sau đó, nghe thông tin được vay vốn, gia đình tôi mạnh dạn vay từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm - giảm nghèo 50 triệu đồng và đầu tư 5 máy may gia công. Việc kinh doanh thuận lợi, tôi tiếp tục vay thêm 200 triệu đồng và mở rộng cơ sở. Hiện tại, cơ sở may của tôi có hơn 20 công nhân thường xuyên. Bình quân mỗi tháng, công nhân thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người. Riêng tôi nhờ nguồn vốn vay mà có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng” - chị Trang bày tỏ.
Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức - Phạm Tuấn Hải chia sẻ: Ngoài các mô hình, các tổ nhóm sản xuất, trên địa bàn huyện còn có các tổ hợp tác chăn nuôi bò; có điểm tư vấn, sàn giao dịch việc làm nhằm giới thiệu cũng như giải quyết việc làm cho người lao động. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tạo cơ hội cho người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo theo hướng bền vững. Đồng thời, bảo đảm những hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Huyện phấn đấu giải quyết việc làm cho 4.000 lao động/năm; đào tạo nghề cho 500 lao động nông thôn/năm; đến năm 2020, giảm 100% hộ chính sách nằm trong hộ nghèo; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có yêu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm phù hợp; giảm hộ nghèo xuống dưới 2%.
Trong 5 năm (2010-2014), huyện tổ chức 83 lớp dạy nghề cho 2.421 học viên. Trong đó, có 2.306 học viên được cấp chứng chỉ nghề. Công tác giải quyết việc làm góp phần giảm dần hộ nghèo trên địa bàn. Nếu như năm 2011, toàn huyện có 1.813 hộ nghèo, chiếm 5,29% (theo tiêu chí của Trung ương) thì đến nay, toàn huyện còn 1.066 hộ nghèo, chiếm 2,86% so với tổng số hộ. |
Quang Nguyên - Cát Tường