Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh yêu cầu các cơ quan tư pháp tăng cường các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án được dư luận xã hội quan tâm
Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ CCTP theo Kế hoạch số 11-KH/TU, ngày 26/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 84- KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược CCTP đến năm 2020; Chương trình số 33-CTr/TU, ngày 01/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác CCTP.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình công tác CCTP. Trong đó, Ban Chỉ đạo xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp, CCTP, trọng tâm là việc quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực tư pháp, CCTP; chỉ đạo, cho chủ trương, định hướng giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhất là xử lý nghiêm việc đùn đẩy, né tránh, không làm hết trách nhiệm trong hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp. Các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục cả về nội dung lẫn hình thức liên quan đến chủ trương, nhiệm vụ CCTP trong giai đoạn mới, đặc biệt là các văn bản pháp luật, các văn bản mới ban hành, sửa đổi, bổ sung liên quan đến công tác tư pháp, CCTP.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thường xuyên, chủ động nắm chắc tình hình, tổng hợp những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để đề xuất, kiến nghị hoặc tham gia ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản, quy định không còn phù hợp hoặc có hạn chế, bất cập nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện, chính sách, pháp luật về công tác tư pháp, CCTP.
Để phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh đề nghị các cơ quan tư pháp cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo quy định. Trong đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, có chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật quốc tế để tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp có yếu tố nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Riêng các cơ quan tư pháp, trong năm 2024 cần tập trung thực hiện hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết các vụ việc, vụ án; đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Liên ngành Tòa án, Viện Kiểm sát phối hợp tổ chức tốt các phiên tòa xét xử trực tuyến, các phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP và thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, giải quyết kịp thời các vụ, việc dân sự, hành chính có tính chất phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Ngoài ra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và hoạt động điều tra; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác xét xử; chú trọng việc phân loại án, xác minh điều kiện thi hành án và nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm, năm 2024, Ban Chỉ đạo tiếp tục đề nghị các cơ quan liên quan, các địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp, CCTP, hoạt động bổ trợ tư pháp; chú trọng những khâu yếu, việc khó, lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm hoặc còn khó khăn, vướng mắc; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm cũng như biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác tư pháp, CCTP.
Các cơ quan dân cử, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động giám sát đối với các cơ quan tư pháp gắn với việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, chất vấn, trả lời chất vấn về hoạt động của các cơ quan tư pháp tại các kỳ họp HĐND nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp.
Đồng thời, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường hơn nữa công tác giám sát đối với các cơ quan tư pháp, thực hiện tốt công tác phản biện xã hội trong quá trình tham gia xây dựng, đóng góp chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác tư pháp và CCTP.
Đối với Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, thời gian tới, Ban tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác điều tra, phòng, chống tội phạm, công tác xét xử, giám định tư pháp và thi hành án trên địa bàn tỉnh nhằm đưa công tác CCTP phát huy hiệu quả, đạt nhiều thành tựu mới./.
Trong thực hiện nhiệm vụ CCTP, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh quán triệt các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường hơn nữa sự lãnh, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tư pháp, CCTP, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, kỷ luật, kỷ cương, dân chủ, văn minh, phục vụ kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phát huy hơn nữa vai trò, sự tham gia của hệ thống chính trị và nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CCTP.
Đặc biệt, nâng cao chất lượng công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, xây dựng, hoàn thiện các văn bản có liên quan đến công tác CCTP, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu, chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính tư pháp cũng như có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc phổ biến, quán triệt, triển khai các nội dung công tác tư pháp, nhiệm vụ CCTP giữa các cơ quan tư pháp trong hoạt động xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc và thi hành án.
|
Nhật Minh