Tiếng Việt | English

22/12/2015 - 14:37

Nông dân Long An với tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp bền vững

Hơn 140 nông dân tỉnh Long An và các tỉnh, thành phía Nam tham dự hội thảo “Giới thiệu sản phẩm và tiến bộ khoa học kỹ thuật mới ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng Cục Công tác Phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An, Công ty Xúc tiến thương mại và Phát triển kinh tế tổ chức tại Long An. Ngoài việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nông dân còn được các doanh nghiệp giới thiệu giống, kỹ thuật canh tác và phân bón thế hệ mới.

 

Tìm hiểu về sản phẩm phân bón công nghệ nano (Ảnh do Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới cung cấp).

Để nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững

Hiện nay, để nông dân sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp thì giống đóng vai trò rất quan trọng. Thời gian qua, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã nghiên cứu chọn lai tạo, được Bộ NN&PTNT công nhận, cho phép đưa vào sản xuất 160 giống lúa, trong đó, 66 giống được công nhận chính thức.

Hầu hết các giống lúa do Viện chọn tạo với ký hiệu OM có thời gian sinh trưởng ngắn từ 85 -100 ngày và được chia thành một số bộ giống lúa chính với mục đích chọn tạo khác nhau để đáp ứng cho thực tiễn sản xuất lúa các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các bộ giống giới thiệu cho nông dân tại hội thảo gồm: bộ giống lúa cực ngắn ngày (thời gian sinh trưởng 85-90 ngày); bộ giống lúa ngắn ngày phục vụ xuất khẩu (thời gian sinh trưởng 90-100 ngày); bộ giống lúa chịu mặn; bộ giống lúa chịu hạn; bộ giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, nông dân còn được giới thiệu quy trình canh tác lúa theo tiêu chí “cánh đồng lúa 4 tốt”: Đất tốt là đất không có các yếu tố hạn chế đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa từ khi gieo sạ đến khi thu hoạch; Giống tốt là giống phải thích hợp với từng mùa vụ và điều kiện thổ nhưỡng của vùng trồng; Các giải pháp chăm sóc cây lúa tốt; Sản phẩm tốt và môi trường tốt.

Theo nông dân tỉnh Sóc Trăng - Huỳnh Thanh Lễ: “Hội thảo này rất bổ ích, giúp nông dân biết và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, biết nên sử dụng giống nào phù hợp với đất nào, bón phân gì, dùng như thế nào hiệu quả và quy trình canh tác lúa đúng tiêu chí”.

Long An được đánh giá là tỉnh nông nghiệp có cơ cấu cây trồng đa dạng. Lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích canh tác trên 235.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện phía Bắc của tỉnh.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Long An - Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Tỉnh đã và đang xây dựng các mô hình canh tác lúa hiệu quả, bền vững, giảm phát thải, góp phần nâng cao hiệu quả thâm canh cây lúa tiến đến xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, kết quả đạt được rất khả quan: xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa theo hướng bền vững; xây dựng mô hình “áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa”; xây dựng các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ trong canh tác lúa”.

Nông dân cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và phân bón hiệu quả.

Áp dụng phân bón thế hệ mới

Bên cạnh giống, quy trình kỹ thuật thì phân bón đóng vai trò khá quan trọng giúp nông dân sản suất hiệu quả, tăng năng suất. Giám đốc Công ty TNHH MTV Phân hữu cơ Ân Thịnh Điền - Lê Hoàng Kiệt chia sẻ: “Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu phân bón cho cây trồng trong những năm gần đây liên tục gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng phân bón thường có những bất lợi sau: Sử dụng phân vô cơ quá lớn, ít bón phân hữu cơ làm gia tăng sâu bệnh, chất lượng nông sản kém; bón phân không đúng thời điểm và thường thừa đạm. Với tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay các loại phân hữu cơ sinh học đang dần thay thế một phần phân vô cơ vốn làm cho đất thoái hóa dần theo thời gian sử dụng”.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới - TS. Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết: “Phân bón hóa học vẫn là một trong những vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng phân bón còn rất thấp, lượng phân bón mất đi trong quá trình sử dụng là rất lớn, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường sống.

Vì vậy, phân bón thế hệ mới đã được nghiên cứu và sản xuất sẽ làm tăng hiệu quả và năng suất của sản xuất nông nghiệp; đồng thời bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường như: phân bón được sản xuất theo công nghệ nano, phân bón được sản xuất theo công nghệ vi sinh và enzym, phân bón vô cơ được sản xuất theo công nghệ mới, phân bón được khai thác và chế biến từ nguyên liệu hữu cơ thiên nhiên, phân bón hóa học chức năng có hoạt lực cao và hiệu suất cao.

Sản xuất và sử dụng phân bón thế hệ mới là một trong những xu hướng ứng dụng kỹ thuật cao trong nông nghiệp hiện nay. Phân bón này giúp tăng năng suất cây trồng, cải tạo đất và không gây tác hại đến môi trường. Xu hướng nghiên cứu và sản xuất hiện nay tập trung vào các loại phân hữu cơ từ than sinh học (biochar), phân bón chuyên dùng, phân bón chức năng, phân bón công nghệ nano,… 

Như vậy, để ứng dụng những loại phân bón vào quy trình kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam cần chú trọng sản xuất những loại phân: Phân NPK + TE có hàm lượng cao (dạng phức hợp 1 hạt); Các loại phân bón chuyên dùng (phù hợp với tính chất đất, chủng loại cây trồng, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng thời kỳ); Các loại phân bón chức năng (dinh dưỡng, điều hòa sinh trưởng, bảo vệ thực vật, tăng chất lượng nông sản, tạo thực phẩm chức năng); Các loại phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng cao cấp; Các loại phân vi lượng hỗn hợp; Các loại phân bón thế hệ mới có tính năng, hiệu quả cao và bảo vệ môi trường (thân thiện với môi trường)”.

Tại hội thảo, theo các chuyên gia đánh giá các nhóm, loại phân bón thế hệ mới với tính năng và hiệu lực hữu ích này giúp giảm lượng sử dụng các loại phân hóa học, tăng chất lượng nông sản, bảo tồn độ phì đất và hạn chế ô nhiễm đất nông nghiệp, ô nhiễm nguồn nước ngầm và hệ thống sông ngòi, giảm thiểu khí thải nhà kính. Đây là cơ sở góp phần giảm ảnh hưởng của “biến đổi khí hậu” và tăng canh tác “nông nghiệp bền vững”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết