Tiếng Việt | English

16/10/2017 - 14:44

Nông nghiệp tiếp tục vượt khó

So cùng kỳ, sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng năm 2017 gặp nhiều khó khăn. Mặc dù sản xuất được duy trì nhưng do thời tiết bất lợi, thị trường tiêu thụ không ổn định nên nông nghiệp phát triển thiếu bền vững, nhiều nông dân thua lỗ. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo chặt chẽ việc sản xuất nhằm đạt kết quả tốt hơn vào những tháng cuối năm.

Nông dân sản xuất rau sạch để bảo đảm đầu ra sản phẩm

Nhiều khó khăn
Cách nay hơn 2 tháng, lũ năm 2017 đến sớm kết hợp mưa lớn làm một số diện tích lúa Hè Thu ở các huyện Đồng Tháp Mười (ĐTM) bị thiệt hại và ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ vụ lúa Thu Đông 2017. Bên cạnh đó, tình hình sâu, bệnh diễn biến phức tạp, nhất là muỗi hành, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây hại trên lúa Hè Thu và Thu Đông 2017; bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, ốc bươu vàng xảy ra thường xuyên.

Đến nay, tổng diện tích lúa gieo cấy ước đạt 523.331ha, đạt 102% so kế hoạch; thu hoạch 491.863ha, năng suất (khô) bình quân ước đạt 51,4 tạ/ha, sản lượng 2.524.508,5 tấn, đạt 90,2% so kế hoạch (2,8 triệu tấn). Giá lúa ổn định, nông dân lãi 6-10 triệu đồng/ha; riêng đối với vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ở ĐTM, nông dân có lãi cao hơn 12 triệu đồng/ha.

Diện tích, sản lượng chanh, thanh long, rau các loại,... tăng so cùng kỳ: Chanh tăng 6.350 tấn; thanh long tăng 43.130 tấn; rau các loại tăng 34.690ha; các cây trồng khác: Bắp, mè, đậu phộng, do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi nên diện tích, sản lượng đều giảm so cùng kỳ.

Tình hình chăn nuôi cũng gặp khó khăn do giá đầu ra không ổn định, đa số người chăn nuôi bị lỗ, nhất là người chăn nuôi heo. Đối với nuôi trồng thủy sản, diện tích tôm nước lợ đến nay là 5.272ha, tăng 353ha so cùng kỳ, diện tích thu hoạch ước đạt 4.740ha, năng suất 1,8 tấn/ha, sản lượng đạt 8.545 tấn (tăng 389 tấn so với cùng kỳ). Nuôi thủy sản nước ngọt vùng ĐTM tiếp tục phát triển, thả nuôi 3.141ha, trong đó, diện tích thu hoạch ước đạt 1.086ha, sản lượng thu hoạch 27.468,4 tấn.

Đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát và xác định diện tích, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên 3 cây và 1 con đến năm 2020 để tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án mô hình điểm sản xuất ƯDCNC.

Long An thực hiện nhiều mô hình điểm sản xuất lúa

Theo đó, năm 2016 và 9 tháng năm 2017, tỉnh thực hiện 6 mô hình điểm sản xuất lúa với diện tích khoảng 50ha/mô hình (hỗ trợ sử dụng máy cấy lúa, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, sử dụng giống xác nhận, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm nấm xanh, chế phẩm Sumitri và trồng hoa sinh thái,...);

Triển khai thực hiện 7 mô hình điểm sản xuất rau với diện tích khoảng 1ha/mô hình (hỗ trợ xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động, sử dụng giống sạch bệnh, sử dụng phân hữu cơ vi sinh; sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bảo vệ môi trường, thu mẫu sản phẩm và giám sát an toàn thực phẩm vùng sản xuất rau,...) và xây dựng được 86,4ha sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất rau, lợi nhuận trung bình trong mô hình cao hơn ngoài mô hình từ 1-3 triệu đồng/1.000m2;

Thực hiện 8 mô hình điểm sản xuất thanh long theo hướng VietGAP, 2 mô hình 5ha/mô hình, 6 mô hình khoảng 20ha/mô hình (hỗ trợ phân hữu cơ, nấm sinh học, bẫy côn trùng, máy băm cành thanh long,...). Bước đầu đang triển khai 2 mô hình điểm nuôi bò thịt ở huyện Đức Hòa và Đức Huệ (hỗ trợ đầu tư con giống, trang thiết bị, kỹ thuật chăm sóc,...).

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Đồng Quang Đôn cho biết: “Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ƯDCNC được huyện quan tâm: Đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật theo hướng ƯDCNC (nhất là sản xuất rau trong nhà lưới, nhà màng, công nghệ chế biến sau thu hoạch,...) cho xã viên nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng; xây dựng các mô hình sản xuất phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, nhà lưới, có hệ thống tưới phun tự động để sản xuất rau và sản xuất cây con.

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao

Mở rộng thị trường bằng cách tiếp tục cung cấp cho các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp; Mở rộng xưởng sơ chế, xây dựng thêm nhà lạnh để hướng tới xuất khẩu. Toàn huyện có hơn 1.800ha chuyên canh rau màu với hơn 4.500 hộ, trong đó, số hộ nông dân trồng rau trong vùng dự án sản xuất rau ƯDCNC của huyện là 3.927 hộ. Chủng loại gồm 34 loại rau. Năng suất bình quân 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng khoảng 130.000 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ ở TP.HCM”.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Để sản xuất nông nghiệp năm 2017 đạt mục tiêu tăng trưởng dương đến cuối năm, ngành nông nghiệp tiếp tục vượt khó và tập trung chỉ đạo: Chăm sóc, bảo vệ sản xuất lúa Thu Đông 2017; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi; tăng cường phối hợp các huyện vùng hạ theo dõi chặt chẽ và hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi; tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng cánh đồng lớn trên lúa và các cây trồng khác. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn; thực hiện tốt chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản để cung cấp nguồn giống tốt cho nông dân.

Tập trung thực hiện các mô hình điểm và các nội dung còn lại chưa triển khai thực hiện theo kế hoạch năm 2017 (cây lúa: 10 mô hình điểm do tỉnh thực hiện, 11 mô hình do huyện thực hiện; thanh long: 2 mô hình điểm tưới nước tiết kiệm). Các huyện nhân rộng mô hình theo kế hoạch 2017 (bảo đảm nhân rộng 2.900ha lúa, 430ha rau, 100ha thanh long, 1.000 con bò thịt được phối giống nhân tạo).

Đồng thời, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện mô hình hợp tác xã điểm hoàn chỉnh (như thực hiện sản xuất ƯDCNC gắn với tiêu thụ sản phẩm, sử dụng giống chất lượng, đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất, tiêu thụ, bảo đảm môi trường, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật); phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ người dân khi thực hiện mô hình ƯDCNC và hướng dẫn cách bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện cho các huyện để triển khai phần nội dung thực hiện của huyện./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết