Tiếng Việt | English

11/03/2019 - 16:23

Nước Anh tất bật chuẩn bị cho ngày chính thức rời khỏi EU

Báo chí châu Âu đưa tin rằng nước Anh dường như đang khá bận rộn chuẩn bị cho thời khắc này và nhất là khả năng Brexit không thỏa thuận dù rằng Chính phủ Anh đang nỗ lực tránh kịch bản đó.

Cờ Anh (phía trên) và cờ EU (phía dưới) bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở London, Anh, ngày 9/01/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Vào thời điểm chỉ còn 18 ngày nữa trước khi Vương quốc Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, và thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Hạ viện vào ngày 12/3, báo chí châu Âu đưa tin rằng nước Anh dường như đang khá bận rộn chuẩn bị cho thời khắc này và nhất là khả năng Brexit không thỏa thuận dù rằng Chính phủ Anh đang nỗ lực tránh kịch bản đó.

Theo tờ Financial Times (Anh), Ngân hàng Anh (BoE) đã yêu cầu một số ngân hàng trong nước tăng gấp ba lần số tài sản có tính thanh khoản cao để hỗ trợ ứng phó tình huống nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận về quan hệ song phương hậu Brexit.

BoE nhấn mạnh các ngân hàng trên cần đảm bảo số tài sản có tính thanh khoản cao đủ để có thể ứng phó một giai đoạn khó khăn kéo dài tới 100 ngày, thay vì 30 ngày như quy định của Cơ quan Giám sát Tài chính thuộc BoE.

Trong khi đó, theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu New Financial (Anh), một trong những báo cáo chi tiết nhất về tác động của Brexit đối với lĩnh vực dịch vụ, có tới hơn 275 doanh nghiệp tài chính đang chuyển tổng cộng 1.200 tỉ USD vốn và tài sản cùng với hàng nghìn nhân viên từ Anh quốc sang các nước thành viên khác của EU để sẵn sàng cho Brexit. Chi phí chuyển địa điểm ước tính vào khoảng 3-4 tỉ USD.

Thủ đô Dublin của Cộng hòa Ireland là điểm đến hàng đầu ở EU để các doanh nghiệp trên chuyển vốn, tài sản và nhân viên đến (với 100 công ty); các địa chỉ tiếp theo là Luxembourg với 60 công ty và doanh nghiệp, Paris (Pháp) với 41 công ty và doanh nghiệp, Frankfurt (Đức) với 40 và Amsterdam (Hà Lan) với 32 công ty và doanh nghiệp.

Gần 90% số tổ chức tài chính chuyển sang Frankfurt là trong lĩnh vực ngân hàng, trong khi 2/3 số công ty và doanh nghiệp chuyển sang Amsterdam là các công ty môi giới hoặc nhà cung cấp nền tảng giao dịch.

Hiện Thủ tướng Anh Theresa May đang phải đối mặt với sức ép từ chức nặng nề khi những nghị sỹ Bảo thủ theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu cho rằng bà có thể phải "hy sinh" ngôi vị thủ tướng để đổi lấy số phiếu ủng hộ từ nhóm này cho cuộc bỏ phiếu quan trọng về Brexit vào ngày 12/3 tới.

Phát biểu trên đài BBC ngày 10/3, cựu Bộ trưởng Giáo dục Nicky Morgan cho rằng nếu Thủ tướng May thất bại tại cuộc bỏ phiếu ý nghĩa quan trọng vào ngày 12/3 tới thì "sẽ rất khó để Thủ tướng tiếp tục ở lại văn phòng dài lâu."

Trong khi đó, những đồng minh của Thủ tướng May cho biết bà đã chuẩn bị sẵn sàng bay sang Brussels (Bỉ) vào ngày 11/3 để thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker về thỏa thuận Brexit.

Mặc dù các cuộc thảo luận cấp chuyên viên giữa nước Anh và EU vẫn tiếp tục diễn ra trong ngày 10/3 tại Brussels, nhưng các thành viên Nội các Anh không lạc quan trước khả năng đàm phán giữa hai bên hiện thời đạt được những kết quả đủ lớn để có thể tác động và khiến 230 nghị sỹ phản đối thỏa thuận Brexit hồi tháng 1/2019 thay đổi quan điểm của họ tại cuộc bỏ phiếu./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết