Môi trường hiện là vấn đề quan tâm lớn của mọi người. Từ các cuộc họp tầm cỡ quốc tế, Quốc hội, đến diễn đàn HĐND, các nhà lãnh đạo, chính quyền, đại biểu dân cử, các tổ chức bảo vệ môi trường đã dành sự quan tâm đặc biệt dành cho môi trường, nhất là xử lý rác thải.
Hiện nay, mỗi ngày, tỉnh thu gom 570-590 tấn rác thải sinh hoạt. Việc quản lý và xử lý rác thải là vấn đề nóng làm “đau đầu” các nhà quản lý xã hội. Cuộc sống càng nâng cao, con người càng thải ra môi trường nhiều rác.
Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung của cộng đồng chưa cao, hạ tầng xử lý rác còn khó khăn, thiếu kinh phí đã làm cho việc xử lý rác càng khó khăn hơn. Ở nhiều nơi, tình trạng vứt rác sinh hoạt, rác công nghiệp, bịch nylon, ly nhựa,... tràn lan ra ngoài môi trường tự nhiên, làm mất mỹ quan và vệ sinh, gây cản trở dòng chảy, ô nhiễm đất, không khí.
Với dân số 1,5 triệu người, lượng rác thải trong tỉnh rất lớn. Địa bàn tỉnh rộng, có nhiều người sinh sống ở nông thôn nên việc thu gom rác gặp khó khăn. Việc vận chuyển rác của một số huyện đến nhà máy xử lý rác xa, tốn nhiều kinh phí, Nhà nước phải trích nhiều ngân sách hỗ trợ. Hiện nay, nhà máy xử lý rác trong tỉnh có công suất chưa đủ đáp ứng nhu cầu xử lý rác, có lúc để lượng rác tồn đọng lớn, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân.
Trong tình hình đó, việc phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích về môi trường, KT-XH: Giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt, tạo ra nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ hoặc tái chế để phục vụ các ngành công nghiệp khác. Đồng thời, cái lợi lớn nhất chính là góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong phân loại rác tại nguồn đã thiếu sự đồng bộ trong quá trình làm thí điểm, đó là sau khi phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ được xe thu gom chung nên không mang lại ý nghĩa tích cực. Người dân thấy việc làm của mình là vô ích. Mặt khác, thay đổi một thói quen cũng không phải là vấn đề đơn giản, cần phải có thời gian và phải thông qua công tác tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi. Song song với tuyên truyền, phải thay đổi phương thức thu gom rác. Có như vậy, việc phân loại rác tại nguồn mới đạt kết quả.
Trong khi chờ triển khai nhân rộng việc phân loại rác tại nguồn, ở cộng đồng dân cư, các đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên,... cần tổ chức các mô hình bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp: Trồng hoa, cây xanh, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, thu gom, phân loại, xử lý rác tại gia đình. Đặc biệt là hạn chế sử dụng bịch nylon, ống hút nhựa, ly nhựa nhằm góp phần bảo vệ môi trường./.
Kim Quy