Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa) tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID
1. Gần dân, sát dân, nhiệt tình, trách nhiệm, các thành viên của Tổ CNSCĐ trong tỉnh đã và đang phát huy khá tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nâng cao nhận thức nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và giúp người dân tương tác với chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy CĐS.
Cuộc sống của người dân xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa) dần trở nên khác biệt nhờ sự xuất hiện của những thành viên Tổ CNSCĐ. Họ trở thành “cầu nối”, đưa công nghệ số (CNS) đến từng hộ gia đình, thay đổi cách người dân làm việc và sinh sống.
Hiện tại, bên cạnh tham gia Tổ CNSCĐ do UBND xã thành lập, Đoàn xã Mỹ Hạnh Nam còn lập thêm 1 Tổ CNSCĐ với sự tham gia của 15 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Thời gian qua, các thành viên Tổ CNSCĐ tiếp tục duy trì và tham gia hỗ trợ hướng dẫn cho ĐVTN và người dân về việc đăng ký tài khoản VNeID, tích hợp giấy tờ cá nhân của công dân như căn cước công dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,...
Hiện có hơn 70% người dân trong xã đã cài đặt ứng dụng VNeID. Ứng dụng này giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức khi thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa) hỗ trợ tuyên truyền các hộ kinh doanh trước khi thực hiện mô hình Tuyến đường không dùng tiền mặt
Đồng thời, các thành viên Tổ CNSCĐ còn hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Long An Số và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, hướng dẫn kết nối mua bán trên sàn thương mại điện tử và các thủ tục hành chính nộp hồ sơ trực tuyến trên địa bàn xã.
Ngoài ra, Đoàn xã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” thông qua đài truyền thanh xã; các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của xã.
Hiện tại, trên địa bàn xã triển khai, thực hiện mô hình Tuyến đường không dùng tiền mặt tại ấp Mới 1. Xã phối hợp ngân hàng tạo các mã QR cho các cửa hàng kinh doanh trên tuyến đường. Mô hình này được các chủ cửa hàng, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn xã đồng tình hưởng ứng. Tuyến đường góp phần xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.
Anh Vũ Đức Minh - chủ cửa hàng ăn uống trên tuyến đường, cho biết: “Từ khi được ĐVTN hướng dẫn sử dụng mã QR, việc kinh doanh của tôi thuận tiện hơn nhiều. Khách hàng có thể thanh toán nhanh, tôi cũng không phải lo lắng về tiền lẻ! Nhờ vậy, quán ăn của tôi thu hút được nhiều khách hàng trẻ tuổi”.
Bí thư Đoàn xã Mỹ Hạnh Nam - Lê Khắc Huy chia sẻ, thời gian qua, các thành viên Tổ CNSCĐ không ngừng học hỏi, tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức. Nhờ đó, các bạn trở thành những hạt nhân tích cực, góp phần quan trọng vào việc đưa CNS đến gần hơn với người dân.
"Thời gian qua, Thị Đoàn Kiến Tường duy trì hoạt động Tổ CNSCĐ tại 8/8 xã, phường, mỗi tổ có từ 5-7 thành viên. Việc thành lập và duy trì Tổ CNSCĐ đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ CĐS tại cơ sở, từ đó lan tỏa, đưa CNS đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy CĐS trong toàn xã hội. Thông qua hoạt động đã phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến”.
Bí thư Thị Đoàn Kiến Tường - Nguyễn De Goonl
"Được tuyên truyền về việc thanh toán trực tuyến, hơn 1 năm nay, tôi hầu như không còn dùng tiền mặt nữa. Việc thanh toán qua ví điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của tôi, từ mua sắm hàng hóa, thực phẩm nhỏ, lẻ đến các hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền nhà. Tôi không còn phải loay hoay tìm ví tiền mỗi khi đi mua sắm. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và quét mã QR đã trở thành thói quen của tôi. Tôi rất phấn khởi khi quê hương mình ngày càng năng động và hiện đại”.
Chị Võ Thị Uyển Nhi (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành)
|
2. Với mục tiêu đưa CNS đến từng “ngõ”, “từng hộ gia đình”, bảo đảm tiếp cận người dân ở mọi tầng lớp, ngành nghề, đặc biệt là khu vực nông thôn, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh thành lập Tổ CNSCĐ tại từng ấp, tổ dân phố, với 996 tổ và trên 5.500 thành viên tham gia.
Các thành viên Tổ CNSCĐ là trưởng khu phố/ấp, ĐVTN hội viên, phụ nữ ấp, trong đó nòng cốt là TN. Đồng thời, toàn tỉnh có 188 Đội IT Xanh tại các xã, phường, thị trấn với 4.980 thành viên, trong đó ĐVTN là lực lượng nòng cốt.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa) tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ CNSCĐ, thời gian qua, ngay sau khi các tổ được thành lập, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng số cho các thành viên trong Tổ, bảo đảm các thành viên là những người ứng dụng thành thạo công nghệ trước khi trở thành tuyên truyền viên đưa CNS đến người dân.
Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, Tổ CNSCĐ ở các địa phương tổ chức hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội thông qua các nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử;...
Qua công tác tuyên truyền phổ biến về CĐS, người dân từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.
Thị Đoàn thị xã Kiến Tường duy trì hiệu quả hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng
Ông Trần Văn Sĩ (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) thổ lộ: “Được các thành viên Tổ CNSCĐ hướng dẫn tận tình cách thức sử dụng các phần mềm CNS, tôi hiểu hơn về lợi ích mà CĐS đem lại. Hiện nay, tôi không phải đến trụ sở Điện lực huyện để thanh toán tiền điện hàng tháng mà chỉ cần tải app của ngân hàng để thanh toán không dùng tiền mặt. Hay khi đi khám bệnh, tôi chỉ cần mang căn cước công dân là có thể thực hiện giao dịch các thủ tục hành chính tại các cơ sở khám, chữa bệnh”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh - Phạm Tấn Hòa cho biết, Tổ CNSCĐ thực sự là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo CĐS các cấp, là giải pháp quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình CĐS. Đây cũng là một trong những giải pháp mang tính đột phá mà các địa phương đã và đang triển khai, góp phần tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tiến trình CĐS.
Thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông, các cấp địa phương cần tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức, kỹ năng CĐS cho Tổ CNSCĐ để hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm tập huấn kỹ năng số cho 100% thành viên Tổ CNSCĐ toàn tỉnh./.
|
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023...
|
Hà Lan