Tiếng Việt | English

08/01/2018 - 09:59

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, chính sách phát triển nông nghiệp ƯDCNC còn nhiều bất cập, cần phải thay đổi.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả thiết thực

Hiệu quả thiết thực

Sản xuất nông nghiệp ƯDCNC là hướng đi đúng đắn, bền vững trong nền nông nghiệp hiện đại. Ở đó, nông dân không chỉ tạo ra các sản phẩm đạt năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị hàng hóa mà còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ các cấp, các ngành. Từ đó, nông dân an tâm phát triển sản xuất.

Bước đầu, nông nghiệp ƯDCNC đạt kết quả tại một số địa phương. Nông dân thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật, các mô hình điểm, chính sách hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước mạnh dạn ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) 12 (ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy cho biết: “ƯDCNC vào sản xuất, nông dân an tâm về đầu ra nông sản, không còn bị ép giá. Nông sản đạt năng suất cao, bình quân 1.000m2 rau, nông dân lãi trên 50 triệu đồng/năm”.

Anh Trần Văn Tân - thành viên HTX 12, hồ hởi: “Mấy chục năm trồng rau chưa bao giờ tôi thấy thuận lợi như hiện nay. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất giúp tiết kiệm nước tưới, phân bón, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật, năng suất cây trồng tăng, chi phí giảm. Nhiều chính sách hỗ trợ nông dân kịp thời”.

Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường thông tin: “Thời gian qua, việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp ở huyện đạt kết quả khả quan. Huyện luôn quan tâm, cử cán bộ chuyên môn theo dõi để kịp thời hỗ trợ người dân. Các chính sách triển khai đến người dân kịp thời. Tuy nhiên, mô hình điểm còn ít so với nhu cầu của nông dân. Thời gian tới, huyện cố gắng triển khai thêm các mô hình, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, lợi nhuận”.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Còn nhiều khó khăn

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh: Bên cạnh kết quả, việc thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC còn chậm so với yêu cầu, nhất là sự phối, kết hợp giữa các ngành, địa phương, hội, đoàn thể,... trong việc thông tin, tuyên truyền quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách Nhà nước đến người dân. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung, nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện phục vụ trạm bơm, tưới rau. Việc phát triển kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn, bất cập trong chính sách hỗ trợ, tiếp cận vốn vay.

Bên cạnh một số HTX, tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả, còn khá nhiều HTX, THT hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Nhiều người dân còn tâm lý vào HTX, THT tham gia mô hình sản xuất ƯDCNC chủ yếu để được nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Một số mô hình trình diễn sản xuất ƯDCNC cho hiệu quả nhưng việc nhân rộng còn gặp khó khăn do tỷ lệ vốn đối ứng của người dân trong các mô hình còn cao (như mô hình tưới tiết kiệm: Do chi phí đầu tư cao, Nhà nước chỉ hỗ trợ 30%, nông dân phải đối ứng 70%,...), chưa có chính sách khuyến khích riêng để thực hiện chương trình, trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chủ yếu sử dụng định mức khuyến nông để thực hiện.

Giám đốc HTX Hưng Phú (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) - Lưu Văn Hoài cho rằng: “ƯDCNC giúp cho nông dân có nhiều cơ hội trong sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình điểm khá ít, chi phí hỗ trợ còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số chính sách khi áp dụng, nông dân khó tiếp cận được vì không sát thực tế, gây khó cho HTX cũng như địa phương. Ngoài ra, chính sách kêu gọi các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của người dân khá hạn chế nên hầu như chỉ bán qua thương lái, thường bị ép giá, thị trường không ổn định nên họ còn ngại tham gia. Chúng tôi cần Nhà nước tăng mức hỗ trợ và mô hình điểm để học tập, nhân rộng, đồng thời có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của nông dân. Có như vậy, ƯDCNC mới thật sự thành công và bền vững”.

Nhà kính ươm cây trồng ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa đang được xây dựng với tổng kinh phí 600 triệu đồng

Cần chính sách hỗ trợ

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ƯDCNC, theo các chuyên gia, cần có những đổi mới về chính sách. Cụ thể, đối với chính sách đất đai, kết cấu hạ tầng, việc quy hoạch đất cho nông nghiệp ƯDCNC cần dựa trên cân đối cung - cầu, lợi thế tự nhiên, kinh tế, xã hội và khả năng đầu tư, giữa thực trạng và dự báo tương lai, ưu tiên cho các khu nông nghiệp ƯDCNC, nhất là các mặt hàng nông sản chiến lược quốc gia. Ưu tiên phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng cho các khu vực quy hoạch dài hạn dành cho nông nghiệp ƯDCNC.

Đối với chính sách tín dụng, về đối tượng được hưởng chính sách, cần có bộ tiêu chí xác định mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đối với doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình. Về địa bàn được hưởng chính sách, không giới hạn khu vực cố định để hỗ trợ doanh nghiệp CNC, chỉ cần bảo đảm đúng quy hoạch, đúng đối tượng.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Võ Quan Huy: Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ƯDCNC, tỉnh cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục nhanh nhất, bảo đảm doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này có đủ các điều kiện được hỗ trợ về đất đai; thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, xuất, nhập khẩu; kinh phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm; áp dụng lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại từ 0,5-1,5% vừa khuyến khích doanh nghiệp, vừa bảo đảm cho các ngân hàng thương mại vận hành theo cơ chế thị trường; mở rộng các loại tài sản được thế chấp vay vốn bao gồm tài sản hình thành trên đất do đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ƯDCNC (trang trại, nhà kính,...).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Hiện nay, bên cạnh việc xây dựng các doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC, tỉnh còn thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, chú trọng xây dựng quy hoạch các vùng nông nghiệp ƯDCNC, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư. Trước hết, cần có quỹ đất “sạch”; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn; quy hoạch vùng nguyên liệu về cơ bản đầy đủ. Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành là định hướng đúng, nhiều doanh nghiệp muốn tìm cơ hội đầu tư tại tỉnh và hướng đến gói tín dụng 100.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC: Hỗ trợ không quá 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị, dụng cụ hiện đại nhằm nâng cao năng suất sản xuất, nghiên cứu cải tiến, chuyển giao, ƯDCNC, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các chi phí liên quan đến lập dự án: Khảo sát thiết kế, đo đạc vẽ bản đồ quy hoạch vùng CNC,... mức hỗ trợ 50% chi phí cho dự án; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà xưởng, xưởng sơ chế, đóng gói các sản phẩm từ nông nghiệp ƯDCNC, mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, không quá 2 tỉ đồng/dự án”./.

Huỳnh Phong-Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết