Đầu tư tuyến y tế cơ sở
YTCS là đơn vị kỹ thuật y tế đầu tiên, trực tiếp CSSK người dân tại cộng đồng. Hiện nay, số lượng khám, chữa bệnh (KCB) tại tuyến xã chiếm 55-60% tổng số khám bệnh chung của toàn tỉnh. Vì vậy, Sở Y tế luôn tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho mạng lưới YTCS nhằm giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại với chi phí thấp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Giám đốc Sở Y tế - bác sĩ Huỳnh Minh Phúc, tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới trạm y tế (TYT) xã giai đoạn 2017-2020 theo lộ trình. Quy mô xây dựng cơ sở vật chất cho TYT phân vùng 1, vùng 2 và vùng 3 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT, ngày 07/11/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Tổng kinh phí trên 126 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Theo đó, công tác CSSK ban đầu được tăng cường. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai rộng khắp và hiệu quả.
Trạm y tế xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa được người dân tin tưởng đến khám và điều trị bệnh ngày càng đông
Toàn tỉnh có 192/192 TYT xã, phường, thị trấn có bác sĩ. Đến cuối năm 2018, có 79,7% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai 2014-2020. TYT xã Tân Hiệp (huyện Thạnh Hóa) là một trong những TYT đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Trạm có 8 biên chế, trong đó có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh và 1 dược sĩ trung học. Trạm quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy đo điện tim, máy thử đường huyết, máy nghe tim thai.
Đây là TYT có sức thu hút bệnh nhân đông. Trung bình mỗi ngày, trạm tiếp nhận 70-80 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường và các bệnh thông thường như cảm, sốt,... Đặc biệt, trạm tự trang bị máy quét thẻ bảo hiểm y tế, giúp giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Ông Huỳnh Văn Na (ấp 2, xã Tân Hiệp) chia sẻ: “Tôi mắc bệnh cao huyết áp và đau nhức xương khớp nên thường đến đây khám và điều trị. Các y, bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, TYT khang trang, sạch đẹp. Người dân được thụ hưởng các thiết bị y tế hiện đại tại địa phương với chi phí thấp”.
Đi đôi với KCB, công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai hiệu quả. Toàn xã có 5 nhân viên y tế ấp phủ khắp địa bàn 4 ấp, kịp thời tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Vì vậy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn luôn ổn định, không có dịch lớn xảy ra. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 7,16%. Chiến dịch uống vitamin A hàng năm cho trẻ đều đạt 100%. Các chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm được thực hiện đạt kế hoạch đề ra.
Trưởng TYT xã Tân Hiệp - Võ Văn Thúy cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng KCB; chú trọng thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh; đề nghị cấp trên quan tâm bố trí thêm 1 y sĩ y học cổ truyền để điều trị bằng phương pháp y học hiện đại kết hợp y học cổ truyền ngay tại TYT”.
Mặc dù tỉnh quan tâm bố trí kinh phí đầu tư cho các TYT nhưng do nguồn vốn có hạn nên trung bình mỗi năm có 14-16 TYT được đầu tư nâng cấp theo hướng dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu CSSK của người dân. Khắc phục thực trạng này, Sở Y tế đang tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới TYT xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2021. Kinh phí thực hiện dự toán trên 213 tỉ đồng từ ngân sách của ngành, tỉnh và nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, EU viện trợ.
Mục tiêu đề án, đến năm 2021 có 100% TYT xã có đủ điều kiện KCB bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của CSSK ban đầu; thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; 100% cán bộ y tế tuyến xã được đào tạo liên tục theo đúng quy định tại Thông tư số 22/22013/TT-BYT, ngày 09/8/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế.
Bình quân mỗi tháng, Trạm Y tế xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc thu hút 800-900 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh
Đưa dịch vụ y tế đến gần dân
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, năng lực KCB tại tuyến YTCS, ngành y tế tỉnh quan tâm triển khai Quyết định số 2348/QĐ-TTg, ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới. Long An có 3 TYT xã tham gia dự án mô hình điểm TYT của Bộ Y tế (TYT xã Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây, Bình Thành, huyện Đức Huệ).
Theo ghi nhận của chúng tôi, các TYT được chọn làm mô hình điểm đều được đầu tư xây dựng mới đạt tiêu chuẩn xây dựng và số phòng làm việc tối thiểu theo vùng. Tại TYT xã Bình Thành, mỗi tháng có 350-400 lượt bệnh nhân của xã và các xã lân cận: Bình Hòa Hưng, Mỹ Bình và Bình Hòa Bắc đến khám và điều trị bệnh. Trạm có máy điện tim, máy tạo oxy khí trời. Ngoài đầu tư về thiết bị y tế, cán bộ y tế ở trạm còn được đào tạo về công nghệ thông tin, chẩn đoán điều trị theo nguyên lý y học gia đình. Hàng tuần, trạm có bác sĩ tuyến huyện về, vừa thực hiện KCB, vừa chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816.
Thực hiện mô hình điểm này, Long An chọn 3 xã: Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), Tân Ninh (huyện Tân Thạnh) và Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc) xây dựng mô hình TYT điểm của tỉnh. Trưởng TYT xã Đông Thạnh - Nguyễn Thị Thanh Vân thông tin: “Trạm bước đầu thực hiện hiệu quả mô hình. Bình quân mỗi tháng, trạm có 800-900 lượt bệnh nhân ở các xã: Phước Vĩnh Tây, Tân Tập, Long Phụng đến KCB”.
Bình quân mỗi tháng, Trạm Y tế xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc thu hút 800-900 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh
TYT xã được chọn xây dựng mô hình điểm, người dân ở đây rất phấn khởi. Chị Trần Thị Mỹ Dung (ấp Tân Quang 2, xã Đông Thạnh) chia sẻ: “Mỗi khi bị cảm, ho, tôi đều đến đây khám và lãnh thuốc bảo hiểm y tế về uống. TYT được xây dựng mới, khang trang, người dân chúng tôi ai cũng vui. Tôi mong, trạm sớm có bác sĩ thực hiện siêu âm giúp người dân không phải đi xa cũng như giảm chi phí trong điều trị bệnh”.
Bên cạnh đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, huyện còn quan tâm hướng dẫn chuyên môn, đào tạo nhân lực YTCS bằng mọi hình thức như đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành,... Trạm còn quan tâm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và các chương trình mục tiêu y tế. Tuy nhiên, hiện khó khăn của trạm là thiếu nguồn nhân lực. Trạm chỉ có 6/10 biên chế nên chưa triển khai các kỹ thuật cận lâm sàng.
YTCS được xác định là “xương sống” của hệ thống y tế nước ta. Đây là tuyến y tế gần dân nhất, trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Vì vậy, việc đầu tư phát triển hệ thống YTCS là việc làm cấp bách./.
Ngọc Mận