Bài 1: “Đòn bẩy”của sự phát triển
Nhiều dự án (DA) thu hút đầu tư của tỉnh phát huy hiệu quả, mở ra cơ hội mới cho Long An, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển, ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Nhiều dự án tạo động lực phát triển KT-XH địa phương (ảnh chụp Khu Công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức)
Động lực phát triển
Những năm qua, Long An luôn phấn đấu, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều đơn vị về làm DA trên địa bàn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Minh chứng cho điều này, KT-XH của tỉnh có những bước tiến vượt bậc so với trước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Năm 2018, Long An có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,36%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 9,4%, cao nhất trong 3 năm gần đây. Công nghiệp - xây dựng khẳng định vị thế chủ lực trong nền kinh tế của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,34 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân của cả nước. Hộ nghèo giảm còn dưới 2,22%. Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 3 trên cả nước,...
Không chỉ vậy, các DA còn tạo động lực, bước đệm cho Long An tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn hiện nay và cả thời gian tới. Hoạt động trên địa bàn tỉnh từ năm 2003 đến nay, Khu công nghiệp (KCN) Thuận Đạo (huyện Bến Lức và Cần Đước) góp phần không nhỏ vào sự phát triển KT-XH địa phương. Toàn khu chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (Thuận Đạo) lấp đầy 100%, giai đoạn 2 (Thuận Đạo mở rộng) lấp đầy khoảng 85%. DA có quy mô hơn 750ha (bao gồm Thuận Đạo, Thuận Đạo mở rộng). Hiện nay, đơn vị tiếp tục kêu gọi đầu tư để nhanh chóng lấp đầy giai đoạn mở rộng, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Bên cạnh việc đóng góp cho ngân sách, KCN còn góp phần thiết thực trong việc giải quyết việc làm, an sinh xã hội của địa phương.
Theo đại diện Ban Quản lý điều hành KCN Thuận Đạo, Long An có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN). Đơn vị được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước khi đi vào hoạt động, đơn vị đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, bảo đảm phục vụ đầy đủ các điều kiện để nhà đầu tư thứ cấp hoạt động. KCN có trạm khí gas cung cấp cho nhà đầu tư thứ cấp khi có nhu cầu. Phối hợp thành lập đồn công an trong KCN nhằm bảo đảm an ninh, trật tự tại đây. Việc xúc tiến đầu tư luôn được thực hiện bằng các chính sách cụ thể nên thời gian lấp đầy nhanh chóng. KCN ưu tiên chọn các ngành nghề thân thiện với môi trường, tránh công nghệ lạc hậu. Các DN hoạt động tại đây giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động với mức lương cơ bản, bảo đảm ổn định được cuộc sống.
KCN Hải Sơn (huyện Đức Hòa) có diện tích khoảng 500ha, hiện lấp đầy khoảng 95%, hơn 380 DN đang hoạt động tại đây. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Hải Sơn (chủ đầu tư hạ tầng KCN Hải Sơn) - Nguyễn Quang Hiến, Long An có nhiều chính sách thu hút, cải thiện môi trường đầu tư. Những khó khăn, vướng mắc của DN luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, tháo gỡ kịp thời. Cty hoàn thiện hạ tầng trước khi tiếp nhận đầu tư, hỗ trợ các DN về thủ tục, hồ sơ. Các DN thứ cấp tạo việc làm ổn định cho rất nhiều lao động địa phương. Thời gian tới, Cty tiếp tục phối hợp ngành chuyên môn, chính quyền làm tốt hơn nữa công tác này, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Người dân tái định cư nhanh chóng ổn định cuộc sống sau khi bàn giao đất cho nhà nước làm dự án (Ảnh chụp tại Khu Dân cư-Tái định cư Long Hậu)
An cư, lạc nghiệp
Trong quá trình thu hút đầu tư và phát triển, các nhà đầu tư cần mặt bằng lớn, đủ để thực hiện các DA. Song song đó, diện tích đất của người dân bị thu hồi tương đối lớn. Long An có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhất là việc nhanh chóng bố trí nền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân bị thu hồi đất để họ sớm an cư, lạc nghiệp.
Ông Bùi Tấn Lộc (người dân sống trong Khu dân cư - TĐC Long Hậu, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Lúc đầu, khi biết gia đình bị thu hồi đất để làm DA KCN, tôi rất lo lắng. Gia đình đang làm ăn, sinh sống yên ổn, phải giao đất, chuyển nơi khác sinh sống, ban đầu tôi cũng do dự. Nhưng là công dân, mình phải tuân thủ các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Gia đình được bố trí nền TĐC cách nơi ở cũ không xa. May mắn, sống ở nơi mới điều kiện đầy đủ, tốt hơn trước. Địa phương, chủ đầu tư quan tâm xây dựng hoàn thiện hạ tầng, nhanh chóng cấp sổ đỏ cho gia đình. Tôi cũng như mọi người sống ở đây đều phấn khởi vì nhìn lại việc làm của mình góp một phần nhỏ vào sự phát triển chung của địa phương. Hàng ngày, tôi đi làm công nhân trong KCN Long Hậu, chiều về đưa cháu đi dạo, trò chuyện cùng hàng xóm. Cuộc sống như vậy cũng vui rồi!”.
Còn bà Lê Thị Chín, cũng sống trong Khu dân cư - TĐC Long Hậu, cho biết: “Chúng tôi thấy quyết định giao đất cho Nhà nước làm KCN hết sức đúng đắn. Bây giờ, khu vực này phát triển rất nhiều, đời sống của người dân nâng cao. Địa phương, chủ đầu tư hoàn thiện đầy đủ hạ tầng trước khi bố trí nền cho chúng tôi. Sổ đỏ cũng nhanh chóng được bàn giao. Chúng tôi sớm ổn định cuộc sống, kinh tế gia đình cũng phát triển hơn trước”.
Khu dân cư - TĐC Long Hậu do Cty Cổ phần Long Hậu làm chủ đầu tư. Đây là nơi bố trí cho người dân có đất bị thu hồi khi làm DA KCN Long Hậu và quy hoạch khu dân cư phục vụ nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn. Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Cty Cổ phần Long Hậu - Bùi Lê Thanh Hiếu thông tin, khi về Long An đầu tư DA KCN, Cty tích cực phối hợp địa phương để hoàn thành khu dân cư - TĐC theo quy định. Cty hiểu rõ những khó khăn, vất vả của những người dân có đất bị thu hồi nên trước khi làm DA, Cty nhanh chóng đầu tư hạ tầng, bố trí nền. Ngành chức năng cấp sổ đỏ cho Cty và chúng tôi sớm bàn giao cho người dân. Toàn khu có tổng diện tích 37ha, bố trí 589 nền, người dân xây dựng khoảng 350 căn nhà và sinh sống ổn định trong khu. Cty tiếp tục phối hợp địa phương khảo sát, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trong khu để có những chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp họ an tâm sinh sống. Được biết, khu dân cư, TĐC này sẽ được thí điểm đầu tiên trên địa bàn tỉnh về việc tiếp nhận, bàn giao về cho địa phương quản lý trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những DA hoạt động hiệu quả, trên địa bàn tỉnh còn nhiều DA công nghiệp, khu dân cư, TĐC “treo” nhiều năm qua, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân./.
(còn tiếp)
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.750 DA đầu tư trong nước, với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 212.850 tỉ đồng (bình quân 121,5 tỉ đồng/dự án); gần 1.000 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 6,1 tỉ USD (bình quân 6,1 triệu USD/DA); gần 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 272.300 tỉ đồng. Hiện có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Long An, trong đó, Đài Loan đứng đầu về dự án cũng như vốn đầu tư đăng ký, kế tiếp là các quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ,...Trong số các DA trong nước và nước ngoài đăng ký đầu tư tại Long An, đến nay có khoảng 60% DA đi vào hoạt động, còn lại đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.
|
Song Nhi - Châu Sơn
Bài 2: Bất cập Khu dân cư - Tái định cư |