Tiếng Việt | English

21/12/2020 - 17:19

Phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo

Thời tiết giao mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong đó có bệnh dại trên chó, mèo. Vì vậy, việc chủ động phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo là hết sức cần thiết.

Người dân cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe đàn chó, mèo

Người dân cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe đàn chó, mèo

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, các hộ trên địa bàn tỉnh hiện nuôi 80.175 con chó, mèo. Tuy nhiên, kết quả tiêm phòng hàng năm chỉ đạt từ 40-44% tổng đàn. Tỷ lệ tiêm phòng còn thấp do người nuôi chó, mèo còn xem nhẹ mức độ nguy hiểm của bệnh dại, nhiều địa phương chưa tích cực trong công tác chỉ đạo tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn vật nuôi.

Đầu tháng 12-2020, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 1 ổ dịch bệnh dại trên chó xảy ra tại xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa (chó không rõ nguồn gốc), tổng số chó mắc bệnh và tiêu hủy là 1 con. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 1 ổ dịch dại trên động vật (có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút dại) tại xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa; 1 trường hợp không thể lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra xác định bệnh tại xã Tân Phú, huyện Đức Hòa (chó lạ cắn liên tục 11 người và 2 con bò). Từ giữa tháng 10-2020 đến nay, tại huyện Vĩnh Hưng và Đức Hòa đã xảy ra 2 trường hợp tử vong do người dân bị chó cắn nhưng không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.

Theo báo cáo tiêm phòng dịch bệnh trên động vật, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã tổ chức tiêm phòng đợt 1 từ ngày 17/2 đến 29/5/2020 trên 35.631 con chó, mèo. Công tác tiêm phòng bổ sung đang tiếp tục được duy trì đến cuối năm.

Trước tính chất nguy hiểm của bệnh dại, nhiều địa phương trong tỉnh tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Chót cho biết: “Trong năm 2020, huyện đã tiêm phòng bệnh dại cho 4.320 con chó, mèo. Hiện địa phương đang tiếp tục rà soát, tiêm vắc-xin phòng bệnh dại bổ sung cho toàn bộ đàn chó, mèo. Huyện cũng thông báo yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo tuân thủ tốt việc tiêm vắc-xin phòng bệnh theo quy định, không thả rông chó ra ngoài đường; đồng thời, phối hợp các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống bệnh dại”.

Ông Đỗ Minh Đức, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, nói: “Biết sự cần thiết của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên chó nên mỗi khi nuôi lứa chó mới, tôi đều chủ động báo với cán bộ thú y của thị trấn để tiêm vắc-xin phòng bệnh cho chó. Hàng ngày, tôi xích chó lại cẩn thận, gài cổng để chó không ra đường, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Để chủ động phòng, chống có hiệu quả bệnh dại ở động vật nhằm giảm nguy cơ phát sinh bệnh dại trên người, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý đàn chó, mèo và phòng, chống bệnh dại ở động vật. Trong đó, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê số hộ nuôi chó để nắm số tổng đàn; các hộ nuôi chó thực hiện nghiêm túc việc khai báo số lượng nuôi,
tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi theo quy định; quản lý đàn chó nuôi bằng cách xích, nhốt, không thả rông; đeo rọ mõm khi cho chó ra đường, nơi công cộng.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Dương Minh Phí thông tin, ngay sau khi Chi cục Thú y Vùng VI thông báo kết quả xét nghiệm phát hiện vi-rút dại (Rabies virus) trong mẫu xét nghiệm lấy từ não chó hoang tại xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, Chi cục đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đức Hòa và UBND xã Lộc Giang đến kiểm tra, vận động người dân trong khu vực xuất hiện chó dại tiến hành nhốt, xích và theo dõi đàn chó, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

“Song song đó, Chi cục đề nghị UBND huyện Đức Hòa khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và UBND các xã vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp nhanh chóng triển khai thống kê tổng đàn chó, mèo, tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho toàn đàn chó, mèo. Sau khi tiêm phòng, cần nhốt cách ly và theo dõi chó mèo trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện bất thường (nghi phát bệnh dại), lập tức tiêu hủy theo quy định” - ông Phí thông tin thêm./.

B.Tùng

Chia sẻ bài viết