Long An có trên 24.000ha rừng có nguy cơ cháy ở cấp 5. Rừng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng tràm xen lẫn cỏ mọc hoang dại, tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 2,5ha (các số liệu do đài Phát thanh và Truyền hình Long An phát vào sáng ngày 24/3/2018). Nguyên nhân là ý thức của người dân còn hạn chế, chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo vệ rừng.
Nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái là rất quan trọng. Muốn vậy, phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật và vận động hộ dân đang sinh sống khu vực gần rừng thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Mặt khác, cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ; thực hiện hiệu quả việc ký kết trách nhiệm giữa 4 lực lượng: Kiểm lâm, công an, quân sự, biên phòng trong công tác giữ gìn, bảo vệ rừng. Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, tập trung xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng (hạt kiểm lâm, ban bảo vệ rừng, tổ bảo vệ rừng,...); phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng, nhất là phòng ngừa hiệu quả, không để xảy ra cháy rừng trong mùa khô. Đồng thời, bố trí, trang bị máy bơm nước chuyên dùng phòng, chống cháy rừng; phân công người trực 24/24 giờ, sẵn sàng huy động lực lượng dập lửa ngay, không để cháy lan. Đối với chính quyền địa phương, cần triển khai Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, hướng dẫn các hộ dân thực hiện biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; nếu có cháy rừng xảy ra, phối hợp các ngành chức năng kịp thời huy động lực lượng chữa cháy. Chủ động phòng, chống cháy rừng là việc làm thật sự cần thiết trong mùa khô./.
Trầm Bưng