Nga đã tập hợp hơn 100.000 binh lính gần biên giới với Ukraine trong những tuần gần đây, khiến phương Tây và các quan chức tình báo Ukraine lo ngại một cuộc xung đột sắp cận kề.
Giữa bối cảnh những nỗ lực ngoại giao được thực hiện mạnh mẽ nhằm chuyển hướng chiến tranh, các nhà phân tích phương Tây cảnh báo quân đội Nga đang gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Ukraine.
Hình ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy lần đầu tiên một số doanh trại được thành lập ở Rechitsa, khu vực Gomel của Belarus. Ảnh: CNN
Mặc dù chưa rõ xung đột sẽ bắt đầu từ đâu nhưng Phương Tây cáo buộc Nga đang thiết lập các điểm gây sức ép từ 3 hướng nhằm vào Ukraine bao gồm: Crimea ở phía Bắc, biên giới Nga - Ukraine và Belarus ở phía Nam.
Dưới đây là 3 mặt trận mà Ukraine và phương Tây đang theo dõi với những động thái gần đây của Nga được phát hiện tại các địa điểm này.
Phía Đông Ukraine
Hầu hết mọi sự chú ý đều dồn vào khu vực Donetsk và Luhansk, những nơi diễn ra xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai từ năm 2014.
Các nhà quan sát phương Tây đã đưa ra đánh giá trước mắt rằng Moscow có thể tăng cường sức mạnh quân sự nếu chiếm được khu vực này, từ đó khiến cho phía Đông Ukraine trở thành địa điểm dễ xảy ra một cuộc tấn công nhất.
Hình ảnh vệ tinh mà CNN được cung cấp cho thấy phần lớn của một căn cứ ở Yelnya, nơi tập trung các xe tăng, đạn dược và các phương tiện bọc thép khác hiện đang trống. Các trang thiết bị ở căn cứ này dường như đã được chuyển tới ngày càng gần khu vực biên giới với Ukraine những ngày gần đây.
Xe tăng, đạn dược và các phương tiện bọc thép đã rời căn cứ Yelnya của Nga. Một số trang thiết bị đã được di chuyển tới gần biên giới Ukraine. Ảnh: CNN
Một lượng lớn vũ khí đã được chuyển tới căn cứ này vào cuối năm 2021 nhưng giờ chúng không còn xuất hiện ở đó, trong số này bao gồm 700 xe tăng, các phương tiện chiến đấu trên bộ và bệ phóng tên lửa đạn đạo. Các video trên mạng xã hội cho thấy, một số thiết bị đang trên đường tiến về phía Nam ở khu vực Bryansk, gần Ukraine.
Stephen Wood, giám đốc cấp cao thuộc công ty hình ảnh vệ tinh Maxar nhận định với CNN: "Dường như một số lượng đáng kể các phương tiện (xe tăng, pháo tự hành và các phương tiện hỗ trợ khác) đã được chuyển khỏi bãi chứa ở Đông Bắc và các phương tiện bọc thép bổ sung đã rời khỏi bãi chứa ở trung tâm. Trong khi đó, các hoạt động tăng cường quân sự được ghi nhận ở Kursk và Belgorod Oblasts, những nơi giáp biên giới với Đông Bắc Ukraine”.
"Chúng tôi đang chứng kiến một số lượng lớn vũ khí và binh lính ở Kursk", Konrad Muzyka, chuyên gia theo dõi các hoạt động quân sự thuộc tổ chức tham vấn Rochan Consulting cảnh báo.
Chuyên gia Phillip Karber thuộc Quỹ Potomac ở Washington, người đã nghiên cứu chi tiết các hoạt động quân sự của Nga nhận định với CNN vào tháng này rằng: "Lực lượng tấn công mạnh nhất của Nga - Binh đoàn xe tăng cận vệ 1, vốn đồn trú ở khu vực Moscow, đã di chuyển khoảng 400 km về phía Nam và vẫn đang tập trung tại khu vực thuận lợi này nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhanh chóng theo hướng Khursk-Kiev”.
Belarus
Những mối lo ngại của phương Tây cũng gia tăng trước việc quân đội Nga tăng cường lực lượng ở Belarus, một quốc gia đồng minh của Nga và có thể là một hướng tiến công nhằm vào Ukraine.
Nga và Belarus đã bắt đầu 10 ngày tập trận chung hôm 10/2 với quy mô và thời điểm khiến phương Tây lo ngại.
Việc Nga triển khai lực lượng tới Belarus được cho là có quy mô lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, với khoảng 30.000 binh lính, các lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz, các tiêm kích, trong đó có Su-35, tên lửa Iskander và hệ thống phòng không S-400, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay.
Đây cũng là cuộc tập trận lớn nhất mà lực lượng vũ trang Belarus tiến hành trong năm, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho biết. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định mục đích của cuộc tập trận "Allied Revolve-2022" là nhằm chống lại "các hành động hung hăng từ bên ngoài".
Một số nhà quan sát phương Tây lo ngại, việc tăng cường lực lượng cho thấy Nga có kế hoạch tiến vào Kiev từ phía Bắc. Một nhà ngoại giao châu Âu nhận định với CNN đầu tháng này rằng, động thái trên gây ra "mối lo ngại rất lớn", đồng thời đánh giá, đây sẽ là "mảnh ghép còn thiếu" mà Moscow cần nếu tiến hành một cuộc tấn công nhanh chóng vào thủ đô của Ukraine.
CSIS cũng cảnh báo, cuộc tập trận chung này có thể đang che giấu cho một chiến dịch tấn công cánh hay đánh tạt sườn qua Belarus để vào phía Bắc Ukraine.
Các hình ảnh vệ tinh được Maxar công bố cho thấy, quân đội Nga đã tăng cường triển khai lực lượng tới một số địa điểm ở Belarus. Việc triển khai này có thể nhằm phục vụ các cuộc diễn tập chung nhưng một số hình ảnh khác cho thấy các trại huấn luyện được bố trí gần biên giới với Ukraine, chỉ cách khoảng vài trăm km.
Tuy nhiên, nếu Nga tập trung ở biên giới Belarus như một hướng tấn công nhằm vào Ukraine, tuyến đường này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Các binh lính Nga sẽ phải "chinh phục" được Pinsk Marshes - khu vực đất ngập nước lớn nhất châu Âu nằm giữa biên giới Belarus và Ukraine. Khu vực này từng cản trở lực lượng phát xít Đức trong Chiến dịch Barbarossa (Đức xâm lược Liên Xô) năm 1941.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, khu vực này có địa hình rất khó khăn và ở một số nơi, việc các phương tiện cơ giới đi qua gần như bất khả thi.
Crimea
Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và hiện phương Tây đang đặt câu hỏi về việc liệu Moscow có tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine từ Crimea hay không.
Maxar ghi nhận số lượng lớn quân đội và các thiết bị của Nga được triển khai với khoảng hơn 550 lều trại và hàng trăm phương tiện đã di chuyển tới phía Bắc thành phố Simferopol của Crimea.
Maxar cũng lần đầu tiên ghi nhận đợt triển khai mới ở đây ngày 10/2, gần thị trấn Slavne ở bờ biển Tây Bắc của Crimea, trong đó có cả các phương tiện bọc thép.
Những đợt triển khai mới được ghi nhận cùng ngày các tàu chiến Nga tới Sevastopol - một cảng lớn của Crimea. Ngày 10/2, Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải hình ảnh 6 tàu đổ bộ lớn của Nga tại cảng biển này.
Phản ứng trước việc này, Hải quân Ukraine cho rằng: "Nga tiếp tục quân sự hóa khu vực Biển Đen, điều thêm tàu đổ bộ tới nhằm gây sức ép với Ukraine và thế giới".
Thông báo trên cũng cho biết, lực lượng hải quân Ukraine "trong trạng thái sẵn sàng trước bất kỳ diễn biến và hành vi khiêu khích nào nhằm bảo vệ đất nước từ biển".
Các nhà phân tích của CSIS cáo buộc quân đội Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào Odessa - một thành phố cảng của Ukaine ở Tây Bắc của Crimea bằng cách "điều các tàu đổ bộ tới thẳng cảng Odessa và di chuyển trực tiếp tới thành phố này".
Các nhà quan sát cũng gọi động thái trên sẽ giúp Nga giành được "lợi thế lớn" nhưng sẽ gây ra "một chiến dịch có rủi ro cao".
Phương Tây tăng cường phòng thủ ở phía Đông
Mỹ sẽ cân nhắc điều động thêm binh lính tới các nước thành viên NATO ở sườn phía Đông của châu Âu nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine và NATO sẽ tăng cường hiện diện bằng cách bổ sung lực lượng cũng như đạn dược tới các quốc gia này, các quan chức Mỹ và châu Âu cho hay.
Nhà Trắng đã nhiều lần cảnh báo Nga rằng, nếu Moscow lo ngại về sự hiện diện của quân đội NATO gần biên giới Nga hiện nay thì mối lo ngại đó sẽ chỉ càng gia tăng nếu điện Kremlin lựa chọn tấn công Ukraine.
Dù vậy, bất chấp những cảnh báo trên, chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa nêu chi tiết về việc tăng cường lực lượng ở biên giới phía Đông của NATO. Việc NATO đe dọa tăng cường lực lượng dường như không thể ngăn cản Nga bổ sung lực lượng, tên lửa và các phương tiện bọc thép quanh Ukraine.
Ben Hodges, cựu chỉ huy Quân đội Mỹ ở châu Âu, người hiện làm việc ở Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu cho rằng, Mỹ và NATO có thể cung cấp thêm khả năng phòng không cho các nước vùng Baltic và một số quốc gia khác ở sườn Đông nếu Nga tấn công Ukraine. Romania hiện là nước duy nhất trong khu vực có hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất.
"Một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine sẽ không giải quyết được gì ngoài tăng cường sự đoàn kết của NATO. Điều này sẽ mở cánh cửa triển khai lực lượng lâu dài tại các nước thành viên NATO tiếp giáp với Nga, đáng chú ý nhất là Ba Lan", James Stavridis, cựu chỉ huy NATO ở châu Âu cho hay./.
Kiều Anh/VOV.VN