Khi năm học 2019-2020 chuẩn bị kết thúc, phụ huynh lại tất bật tìm chỗ học thêm hè cho con. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian, chương trình học có một số thay đổi. Theo đó, học sinh chỉ được nghỉ hè khoảng một tháng (từ 15/7 đến 15/8). Thay vì dành khoảng thời gian đó để con em vui chơi, giải trí, bổ sung thêm kỹ năng sống hoặc tham gia các lớp năng khiếu thì phụ huynh lại muốn con mình đến lớp học thêm với vô số lý do: Học lại những kiến thức chưa được học do giản lược chương trình trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19, học thêm kiến thức mới để không bị thua các bạn khi vào năm học 2020-2021, học nâng cao,...
Học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh, qua đó những em có sức học trung bình được củng cố kiến thức, có thêm thời gian để giải nhiều dạng bài tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đối với học sinh giỏi, đến lớp học thêm, các em được bồi dưỡng những kiến thức nâng cao, từ đó phát huy năng lực, sở trường của mình ở các môn học. Dạy thêm, học thêm không xấu và là nhu cầu chính đáng của học sinh nhưng từ lâu cụm từ này được nhắc đến kèm với các yêu cầu “cần chấn chỉnh”, “cần quản lý tốt” và thường được phản ánh trong những lần đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Thời gian qua, những biến tướng từ dạy thêm, học thêm khiến xã hội bức xúc. Chẳng hạn như học sinh tiểu học, trong chương trình học bán trú, buổi chiều ở trường, các em đã được ôn tập những kiến thức đã được học trong buổi sáng nhưng đến tối, phụ huynh còn đưa con em mình đến lớp học thêm. Như vậy, các em không có thời gian nghỉ ngơi mà phải nhồi nhét kiến thức. Có những em nhà xa trường, sau giờ học chính khóa, ăn qua loa dĩa cơm, tô hủ tiếu ở hàng quán rồi được cha mẹ đưa đến lớp học thêm. Khi về đến nhà, gần 20 giờ, vội vàng ăn cơm, vệ sinh cá nhân rồi lại ngồi vào bàn học chuẩn bị bài cho ngày hôm sau. Một số giáo viên vì lợi ích cá nhân đã dùng đến “chiêu trò” ép học sinh học thêm để tăng thu nhập. Thế nên không ít trường hợp, chỉ một môn học nhưng học sinh phải học thêm hai nơi, một nơi theo học thầy cô có phương pháp dạy phù hợp với nhu cầu để lấy kiến thức và một nơi theo học thầy cô đang giảng dạy trên lớp để “lấy lòng”. Đó là khoảng thời gian trong năm học, đến hè thay vì được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, các em lại phải tất bật đến lớp học thêm. Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng nhưng vấn đề đặt ra là phải quản lý thế nào để việc dạy thêm, học thêm phát huy hiệu quả, tránh được những biến tướng và tiêu cực.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Có ý kiến cho rằng việc đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp các địa phương quản lý tốt hơn, hạn chế các điểm dạy thêm tự phát. Việc này buộc các cơ sở dạy thêm phải bảo đảm các tiêu chí theo quy định mới được hoạt động, trong đó quy định rõ số tiết được dạy. Nhiều giáo viên cũng mong muốn công khai, minh bạch về các quy định, tiêu chí về dạy thêm học thêm và cần có cơ chế quản lý, xử phạt rõ ràng.
Dạy thêm, học thêm vẫn còn là câu chuyện dài. Vấn đề là cần quản lý và bố trí thời gian học sao cho phù hợp để học sinh được học tập, vui chơi, tránh tình trạng nhồi nhét kiến thức, nhất là trong thời gian hè./.
Anh Túc