Tiếng Việt | English

03/11/2020 - 09:12

Rau ứng dụng công nghệ cao an toàn, lợi nhuận cao

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) thời gian qua cho thấy những hiệu quả, được người dân ủng hộ, diện tích ngày càng tăng lên. Nông dân đã tự nhân rộng hàng trăm hécta, nhất là tại vùng trồng rau Cần Đước, Cần Giuộc, tỉnh Long An vì hạn chế sâu, bệnh, tăng năng suất và đáp ứng yêu cầu thị trường.

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao cho sản phẩm sạch, tăng năng suất và lợi nhuận

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao cho sản phẩm sạch, tăng năng suất và lợi nhuận

Long Trạch là xã có diện tích trồng màu lớn thứ hai của huyện Cần Đước với gần 250ha. Thời gian qua, thông qua tuyên truyền, vận động của địa phương, nhiều nông dân ƯDCNC vào sản xuất. Phấn đấu đến hết năm 2020, toàn xã có 220ha trồng rau ƯDCNC.

Ông Bùi Thanh Giang, ngụ ấp Cầu Xây, xã Long Trạch, ƯDCNC cho hơn 1,2ha rau, chủ yếu trồng cải xanh và rau húng. “Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cho việc làm nhà lưới, hệ thống tưới phun sương khá cao nhưng nông dân có thể sử dụng thời gian khá lâu. Đặc biệt là chất lượng, năng suất rau rất tốt. Với giá rau cải khá bình ổn ở mức 20.000 đồng/kg và rau húng trên 30.000 đồng/kg, tôi rất phấn khởi” - ông Giang cho biết.

Còn tại huyện Cần Giuộc, trồng rau ƯDCNC cũng đang được người dân quan tâm thực hiện. Ông Nguyễn Văn Chính, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, xây dựng 800m2 nhà lưới kết hợp lắp đặt hệ thống tưới phun tự động để trồng cải. Theo ông Chính, với phương thức canh tác này, ông có thể tăng được số vòng quay trên một diện tích đất canh tác, tiết kiệm lượng nước tưới, sản phẩm rau bảo đảm các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Sản xuất rau ƯDCNC thời gian qua luôn được tỉnh quan tâm. Theo đó, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng ở những vùng quy hoạch trồng rau ƯDCNC ở Cần Đước, Cần Giuộc được đầu tư.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có gần 2.100ha, chủ yếu ở Cần Giuộc và Cần Đước đã ƯDCNC trong sản xuất rau, đạt 104,6% kế hoạch. Trong đó, tỉnh, huyện thực hiện hơn 1.478ha, với các nội dung: Vùng sản xuất sử dụng giống sạch bệnh, năng suất cao và chất lượng tốt; sử dụng phân hữu cơ vi sinh; sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bảo vệ môi trường, giữ cân bằng hệ sinh thái; ứng dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm; sản xuất trong nhà lưới để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và dịch hại, đạt tiêu chuẩn rau an toàn tiến tới đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo chuỗi,...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng giúp cây rau phát triển tốt; ít sâu, bệnh, giảm được lượng phân vô cơ sử dụng từ 10-40kg/ha, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-5 triệu đồng/1.000m2 so với trồng theo phương pháp truyền thống.

Ngoài ra, đến nay, tỉnh đã xây dựng được 8 chuỗi rau an toàn tại vùng sản xuất rau ƯDCNC (Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa, Phước Hiệp, Tân Hiệp, Phước Thịnh, Thuận Giàu, Rau an toàn Mười Hai, HTX Mekong, HTX Khôi Nguyên). Rau được tiêu thụ chủ yếu tại các siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, công ty, doanh nghiệp tại TP.HCM và Long An; đồng thời, nhân rộng và phát triển các mô hình chuỗi rau an toàn đã xây dựng như HTX Phước Hòa, huyện Cần Đước; HTX Tân Hiệp, huyện Đức Hòa; HTX Phước Thịnh, huyện Cần Giuộc.

Trong xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, đạt chứng nhận VietGAP đã có 23 HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 114,11ha, sản lượng khoảng 10.800 tấn/năm gồm các sản phẩm rau, củ, quả. Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá và rau ăn trái sử dụng cây con từ vườn ươm, hệ thống sản xuất thủy canh cũng là những điểm mới trong sản xuất rau của tỉnh. Tuy mới triển khai, thực hiện nhưng mô hình này cho kết quả rất khả quan, giúp sản xuất cây con cung ứng cho nhu cầu trồng rau của người dân tại địa phương và phục vụ mô hình trồng rau thủy canh, có tỷ lệ sống cao, thời gian sinh trưởng ngắn hơn trồng theo phương pháp truyền thống.

Nhìn chung, việc triển khai ƯDCNC trong sản xuất rau hiện nay được người dân đồng tình ủng hộ. Người dân đã tự nhân rộng gần 615ha, nhất là tại vùng trồng rau của tỉnh (Cần Đước, Cần Giuộc) vì vừa hạn chế sâu, bệnh, vừa tăng năng suất và đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tại huyện Cần Giuộc hiện có gần 1.000/1.750ha trồng rau ƯDCNC. Nhằm giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, thu nhập, thân thiện với môi trường, thời gian tới, các ngành chức năng huyện nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản của nông dân. Với hiệu quả mang lại, thời gian tới, diện tích rau ƯDCNC trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục tăng lên.

Để cây rau ở huyện có giá trị cao, đầu ra ổn định, UBND huyện đã tổ chức hội thảo xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc. Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu là các nhà đầu tư, nhà tiêu thụ nông sản lớn, các cơ quan thông tấn, báo chí, các HTX, tổ hợp tác, nông dân sản xuất giỏi của huyện. Qua hội thảo đã cung cấp nhiều kiến thức về xây dựng thương hiệu hướng tới quảng bá và phát triển thương hiệu cây rau của huyện nói riêng, của tỉnh nói chung./.

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích