Thế nhưng các dịch hay đợt bùng phát bệnh tiêu chảy, tay chân miệng vẫn diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đó là do chưa tạo được thói quen rửa tay trong cộng đồng và hiện nay chỉ có 12% dân số rửa tay với xà phòng.
Theo một số khảo sát cho thấy, có khoảng trên 80% dân số không rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn uống.
Việc phòng tránh bệnh tay chân miệng hết sức dễ làm mà hiệu quả là rửa tay bằng xà phòng với nước sạch. Thế nhưng các bà mẹ không thực hiện vì chưa có thói quen này nên rủi ro cho trẻ là rất lớn. Bên cạnh đó các bà mẹ còn thiếu kiến thức về ích lợi của việc rửa tay và cho rằng tốn thời gian nên bệnh tay chân miệng đã xuất hiện và đang lan tràn rất khó kiểm soát.
Hiện nay, hầu hết các bà mẹ đều biết bệnh tay chân miệng và cả các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn... lây lan qua đường ăn uống và trong đó, chỉ có một số ít biết được cách phòng tránh là rửa tay sạch, vệ sinh ăn uống, sát khuẩn, diệt khuẩn đồ chơi, nơi sinh hoạt của trẻ nhưng khi thực hiện thì quên.
Tại các trường mầm non, mẫu giáo, các cháu được làm quen với chương trình vệ sinh học đường, được các cô tập cho thói quen rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Thế nhưng về nhà thì bố mẹ không thực hiện nên thói quen của trẻ không được duy trì rồi dần dần trẻ cũng không thực hiện. Nếu ý thức về phòng bệnh và thói quen rửa tay bằng xà phòng với nước sạch của các bà mẹ được thực hiện tốt thì bệnh tay chân miệng sẽ được khống chế. Ngoài ra, do thiếu kiến thức về bệnh cho nên các bà mẹ không chú trọng đến việc dạy cho trẻ ý thức vệ sinh phòng bệnh cho bản thân thông qua việc tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi chơi, sau khi vệ sinh và trước khi ăn. Trong khi đó chỉ cần rửa tay sạch là giảm được gần 50% nguy cơ lây nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn…
Như vậy, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn chính là vắc-xin phòng bệnh vô cùng hiệu quả, tiết kiệm, dễ làm, lúc nào cũng có thể thực hiện được. Vì sức khỏe và phòng chống bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, mong các phụ huynh và cộng đồng hãy tập thói quen vệ sinh cá nhân, giữ bàn tay luôn sạch để giúp con em mình ngăn ngừa dịch bệnh.
Theo một số nghiên cứu cho thấy rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh có thể làm giảm ½ số ca tiêu chảy, giảm ½ các ca tử vong do viêm phổi.
Như chúng ta biết, trong quá trình làm việc, lao động, học tập,… sẽ tích lũy vi khuẩn trên tay, nếu không làm sạch có thể lây nhiễm bệnh tật cho chính mình bằng việc đưa tay chạm mắt, mũi, miệng có nghĩa là vô tình đưa vi trùng vào mắt, mũi hay miệng.
Rửa tay sạch và hợp lý không những giúp cho chúng ta phòng chống bệnh tay chân miệng, các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa như tả, lỵ, dịch cúm A (H5N1), cúm A (H1N1) đang hoành hành mà còn bảo vệ cơ thể phòng tránh một số bệnh nhiễm trùng khác.
Để thực hiện việc rửa tay đúng cách cần thực hiện đúng quy trình theo các bước sau:
Bước 1: Làm ướt bàn tay, lấy 3 - 5ml dung dịch rửa tay hoặc chà xà phòng lên lòng và mu hai bàn tay, sau đó xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho xà phòng thấm đều.
Bước 2: Đặt lòng và các ngón của bàn tay này lên mu bàn tay kia và chà sạch mu bàn tay và kẽ các ngón tay, luân phiên giữa hai bên.
Bước 3: Đặt lòng hai bàn tay vào nhau, chà sạch lòng bàn tay và kẽ ngón tay.
Bước 4: Đan hai bàn tay vào nhau và chà sạch mặt mu các ngón tay.
Bước 5: Dùng lòng bàn tay này xoay và chà sạch từng ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này rồi chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.
Thời gian vệ sinh tay tối thiểu cho cả quy trình là 30 giây.
Vì tương lai con em chúng ta, vì sức khỏe của cá nhân và cộng đồng, hãy hành động và duy trì việc rửa tay đúng cách để phòng ngừa và tránh lây lan vi trùng gây các loại bệnh liên quan đến đường tiêu hóa trong đó có bệnh tay chân miệng./.
Bs Hồ Văn Cưng