Hoạt động ý nghĩa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III - Long An năm 2018 - Nguyễn Văn Được thông tin, đây là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia dành cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mục tiêu đặt ra tại festival lần này là tổ chức các hoạt động tôn vinh những đóng góp của nông dân, nhà quản lý và doanh nghiệp (DN) cho nền nông nghiệp nói chung và sự phát triển lúa gạo Việt Nam nói riêng. Đặc biệt hơn, dịp này, Ban Tổ chức sẽ công bố “Logo thương hiệu gạo Việt Nam” nhằm nâng cao giá trị hạt gạo và lợi ích của nông dân.
Mọi công tác chuẩn bị cho Festival Lúa gạo đã sẵn sàng
Ngoài mục tiêu giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Long An cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, festival còn tích cực đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị, DN sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực nông nghiệp - nông sản hàng hóa. Đặc biệt, ngành hàng lúa gạo Việt Nam được tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết đầu tư, phát triển ổn định và khẳng định thương hiệu các sản phẩm lúa gạo Việt Nam.
Qua thời gian dài chuẩn bị, đến nay, mọi công việc đã hoàn thành và sẵn sàng cho giờ khai mạc. Những ngày này, trên tuyến đường Hùng Vương nối dài, nơi diễn ra các hoạt động chính nổi bật hẳn lên bởi không khí chuẩn bị của Ban Tổ chức. Hình ảnh tạo nên sự chú ý của nhiều người ngay cổng chào khu vực tổ chức festival là hình tượng những bông lúa thật to, tạo hình chữ “V” mang ý nghĩa về sự thành công. Cây lúa thời gian qua có nhiều sự thăng trầm, vinh quang nhưng luôn đồng hành cùng sự ấm no, phồn vinh. Ngày nay, Việt Nam là quốc gia có lượng xuất khẩu gạo ra thế giới hàng đầu, mang lại giá trị cao và góp phần bảo đảm an ninh lương thực.
Theo Ban Tổ chức, đến nay, có 1.058 đơn vị, gian hàng của 612 địa phương, đơn vị, DN đăng ký tham gia. Ban Tổ chức đã bố trí nhiều khu vực triển lãm, thương mại theo từng lĩnh vực, ngành hàng. Theo đó, khu triển lãm của các bộ, ngành Trung ương gồm 80 đơn vị, gian hàng của 22 đơn vị (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam,...). Khu triển lãm của tỉnh Long An với 40 đơn vị, gian hàng. Khu triển lãm của các địa phương, đơn vị, DN thuộc các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long,TP.HCM và miền Đông Nam bộ gồm 230 đơn vị, gian hàng,...
Theo đó, sẽ có nhiều chủng loại hàng hóa được trưng bày tại Festival lúa gạo lần này như sản phẩm từ lúa gạo; máy móc, thiết bị; công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; vật tư nông nghiệp; sản phẩm nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực khác.
Bên cạnh các gian hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo, Ban Tổ chức còn triển lãm con đường lúa gạo. Đây có thể được xem là điểm nhấn, mang ý nghĩa về sự phồn vinh, thịnh vượng, cây lúa, hạt gạo Việt Nam làm ra giá trị KT-XH của thời kỳ mở rộng hợp tác, giao thương quốc tế. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Expo (đơn vị tổ chức sự kiện) - Lý Hoài Thông chia sẻ: “Ban Tổ chức chuẩn bị 60.000 chậu lúa vừa chín vàng để sắp xếp, trưng bày tại festival”.
Doanh nghiệp, nông dân chờ đón
Những ngày này, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Phú (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) - Lưu Văn Hoài đang ráo riết xay lúa, in bao bì để kịp chuẩn bị tham gia festival. Nhà ông Hoài ở ấp Cả Trốt, trên tuyến đường vành đai biên giới, giáp nước bạn Campuchia. Ruộng lúa của ông cũng liền một dải với cánh đồng lúa nước bạn Campuchia. Hợp tác xã đang liên kết với nông dân sản xuất trên 500ha lúa, trong đó có 50ha lúa sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. Sản phẩm gạo hữu cơ mang tên “Khahucoop” sẽ được giới thiệu, quảng bá và bán tại Festival Lúa gạo lần này. Ông Lưu Văn Hoài bộc bạch: “Lễ hội diễn ra tại Long An làm cho những người yêu cây lúa như chúng tôi rất hãnh diện. Đây là lễ hội dành riêng cho hạt lúa, hạt gạo Việt Nam và những người gắn bó với nó. Festival lần này, tôi chuẩn bị 2 tấn gạo hữu cơ để giới thiệu đến mọi người”.
Một khi gạo Việt Nam có logo, có thương hiệu riêng sẽ giúp đối tác có thể nhận diện, đồng thời nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo. Qua đó, người sản xuất được hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình lao động của mình
Đại diện Công ty Lương thực Long An thông tin, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng những thế mạnh lúa gạo của đơn vị như Hương lài, Nàng hoa, Tài nguyên, Nàng thơm Chợ Đào, nếp,... để mang đến giới thiệu tại festival này. Ngoài quảng bá, nhân viên công ty sẵn sàng giới thiệu về đặc tính, phương pháp canh tác, số liệu, hình ảnh và năng lực sản xuất của công ty. Đặc biệt, công ty còn tổ chức nấu cơm, mời khách hàng dùng thử và cho ý kiến. Công ty cũng chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cuộc thi “Gạo ngon Thương hiệu Việt”.
Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam, phụ trách Văn phòng đại diện Hội Nông dân tại phía Nam - Phạm Minh Hùng phấn khởi: “Tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ III - Long An 2018, logo thương hiệu gạo Việt Nam được công bố. Một khi gạo Việt Nam có logo, có thương hiệu riêng sẽ giúp đối tác có thể nhận diện, đồng thời nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo. Qua đó, người sản xuất được hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình lao động của mình”./.
Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III diễn ra tại Long An do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Long An, Viện Kinh tế phát triển TP.HCM, Viện KT-XH TP.Cần Thơ, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long,... phối hợp, chủ trì tổ chức.
Trong khuôn khổ festival, có 2 cuộc hội thảo: “Thực trạng xâm nhập mặn và khô hạn - Giải pháp ứng phó - Bảo vệ cây lúa - Phát triển của hạt gạo Việt Nam” và “Gạo sạch Việt Nam - khẳng định vị trí - vươn tầm quốc tế”. Ngoài ra, Sở Công Thương Long An còn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức “Chương trình bình ổn thị trường giữa các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM năm 2018”.
|
Mai Hương