Nhiều nông dân tìm hướng đi bền vững cho trái thanh long theo hướng VietGAP
Tìm hướng đi bền vững
Trước đây, khu vườn hơn 1ha của ông Đặng Hữu Mân (ấp 4, xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An) là vườn tạp, cho thu nhập thấp. Năm 2011, ông quyết định chuyển sang trồng thanh long. Khi đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại huyện Châu Thành, điều mà ông tâm đắc nhất và quyết định trồng thanh long theo quy trình VietGAP. Theo ông, khi áp dụng theo quy trình VietGAP, trước hết có lợi cho sức khỏe người trồng cũng như người sử dụng sản phẩm mình làm ra, đó cũng là hướng đi bền vững.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tâm - Huỳnh Văn Sơn cho biết, không riêng gì ông Mân mà tất cả các hộ trồng thanh long trong xã đều theo quy trình VietGAP, được chính quyền địa phương ủng hộ khá nhiều thông qua nhiều hình thức. Trước hết, Hội Nông dân kết hợp cùng ngành nông nghiệp, khuyến nông mở lớp tập huấn trồng thanh long theo quy trình VietGAP cho tất cả các hộ trồng thanh long tại xã. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông xã cũng theo sát từng hộ hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật canh tác.
Hiện tại, xã Bình Tâm có hơn 40ha đất trồng thanh long. Trong đó, hơn 30 hộ nông dân đang sinh hoạt tại 2 tổ hợp tác trồng thanh long; 25 hộ sản xuất theo hướng VietGAP với diện tích 13ha và được Cty TNHH Công nghệ NHO (TP.Cần Thơ) cấp giấy chứng nhận.
Ông Mân cho biết, nhiều nông dân khi chưa bắt tay vào trồng theo hướng VietGAP thì cho là khó, nhưng theo ông, cách này lại không khó. Người trồng chỉ cần ghi chép nhật ký, các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng trên vườn và tuân thủ theo đúng quy trình, hướng dẫn của nhà sản xuất. Chi phí cho cách trồng thanh long VietGAP không cao so với cách trồng chưa theo quy trình VietGAP. Hiện tại, vườn thanh long hơn 1ha của nhà ông Mân cho trái mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi từ 300-500 triệu đồng.
Trong quá trình trồng thanh long theo quy trình VietGAP, tổ hợp tác do ông làm tổ trưởng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% chi phí mua máy băm dây thanh long (dùng để ủ làm phân bón cho cây thanh long), các thành viên được hỗ trợ kỹ thuật và các loại thuốc BVTV. Riêng vườn thanh long nhà ông được hỗ trợ một phần chi phí cho hệ thống phun tưới thanh long tự động. Ông Huỳnh Văn Sơn cho biết, Hội Nông dân đang khuyến khích những hộ trồng thanh long trên địa bàn nên trồng theo hướng VietGAP thông qua các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật.
Thanh long trồng theo hướng VietGAP được doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu
Ở Đức Huệ, hoa thiên lý được xem là loại rau giàu chất dinh dưỡng và được chọn dùng cho bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình. Cách đây khoảng 10 năm, người dân bắt đầu chuyển từ trồng lúa sang trồng thiên lý, bởi loại cây này cho hiệu quả kinh tế cao và ít tốn chi phí đầu tư hơn lúa. Để giúp nông dân phát triển cây trồng theo đúng kỹ thuật, Phòng NN&PTNT huyện Đức Huệ phối hợp một số ngành chức năng soạn chương trình kỹ thuật canh tác theo quy trình VietGAP trên thiên lý để hướng dẫn cho người dân áp dụng.
Hộ ông Lê Văn Lộc (ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông) được chọn trồng thử nghiệm thiên lý theo quy trình VietGAP. Ông Lộc có 6.000m2 trồng thiên lý, hiện ông tách ra 2.000m2 để trồng theo quy trình VietGAP. Hiện nay, thiên lý giống đang phát triển tốt. Theo ông Lộc, tham gia quy trình VietGAP, các hộ trồng thiên lý phải tuân thủ các nguyên tắc: Không xử lý cỏ bằng thuốc diệt cỏ - thành phần 2.5D (Dioxin), sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, thuốc BVTV nằm trong danh mục cho phép, bón phân tiêu chuẩn, vừa phải, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón lót và ghi chép cẩn thận nhật ký đồng ruộng,... So với cách trồng thiên lý truyền thống, cách trồng theo quy trình VietGAP tốn thời gian hơn nhưng cho hiệu quả cao, bảo đảm sức khỏe người dùng và mang tính bền vững trong tương lai.
Sản phẩm VietGap chưa vào chuỗi
Ông Huỳnh Văn Sơn cho biết, Hội Nông dân đang khuyến khích những hộ trồng thanh long trên địa bàn nên trồng theo hướng VietGAP thông qua các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật. Hiện nay, hầu hết thanh long đang cho trái, nông dân đã áp dụng quy trình VietGAP. Riêng các hộ trồng thanh long chưa cho trái, Hội Nông dân xã tiến hành vận động, khuyến khích nông dân áp dụng quy trình VietGAP khi thanh long cho trái. Tuy nhiên, điều nông dân trăn trở là thương lái và thị trường chưa phân biệt sản phẩm theo quy trình VietGAP hay sản phẩm thông thường để đưa ra giá cả hợp lý trong thu mua, phân phối hàng hóa.
Hơn 3 năm qua, hộ Lý Minh Trí (ngụ ấp 4, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) mạnh dạn chuyển đổi 3.000m2 đất lúa sang trồng thiên lý, bởi thấy được hiệu quả của loại cây này. Anh Minh Trí cho biết, trồng hoa thiên lý theo quy trình VietGAP không khó và ít dùng thuốc BVTV do ít xảy ra sâu, bệnh. Các loại phân bón thường dùng là phân hữu cơ, phân chuồng được ủ hoai mục hoặc hữu cơ vi sinh bổ sung thêm phân vô cơ tổng hợp NPK. Khi thiên lý bắt đầu thu hoạch bông thì không bón nhiều đạm mà tăng cường lân và kali để cây ra nhiều hoa và chất lượng hoa tốt.
Theo nhận xét của nhiều nông dân, trồng thiên lý cho hiệu quả cao, tuy nhiên, cái khó lớn nhất hiện nay là nông dân trong vùng đều trồng nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết nên hầu như chưa có đơn vị hay cá nhân nào bao tiêu sản phẩm. Nông dân chủ yếu bán cho thương lái vãng lai, giá cả tùy vào thương lái. Vì vậy, nông dân trồng thiên lý hiện nay mong muốn được tập hợp lại, trồng đồng loạt và áp dụng đúng quy trình VietGAP nhằm xây dựng thương hiệu để loại rau dinh dưỡng này có thể “đặt chân” vào các siêu thị trong nước hay xuất khẩu.
Từng bước phát triển sản phẩm nông nghiệp bền vững
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều vùng sản xuất tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, hướng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sản phẩm nông nghiệp chưa an toàn, việc lạm dụng thuốc BVTV, thuốc thú y, phân vô cơ, chất kích thích tăng trưởng,... Điều này tác động đến sức cạnh tranh sản phẩm, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ bộc phát dịch hại. Trước các vấn đề trên, việc tổ chức lại theo mô hình vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trên diện rộng, vừa áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật tiên tiến để cho ra sản phẩm chất lượng được ngành nông nghiệp tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, ngành cũng bố trí nguồn vốn cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, xây dựng quy trình sản xuất phù hợp cho từng loại cây trồng, vật nuôi.
Hiện nay, ngành NN&PTNT đang tiến hành tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các cánh đồng lớn, liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để làm đầu mối cho hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, đối với cây lúa, Long An nằm trong Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, tên tiếng Anh "Vietnam Sustainable Agriculture Transformation" (gọi tắt VnSAT) nằm trong chiến lược hợp tác quốc gia của Ngân hàng Thế giới. Đây là dự án được xây dựng bởi các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Bộ NN&PTNT hỗ trợ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả của các dự án Cạnh tranh nông nghiệp, dự án Tài chính nông thôn.
Tại Long An, dự án được thực hiện tại 23 xã ở 5 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường với diện tích canh tác lúa hơn 49.500ha, khoảng 25.000 hộ nông dân tham gia. Tổng nguồn vốn 13,456 triệu USD, trong đó, vốn vay từ nguồn ưu đãi (IDA) của Ngân hàng Thế giới là 8,346 triệu USD, vốn đối ứng 2,175 triệu USD và vốn tư nhân 2,935 triệu USD. Trong năm 2016, các hoạt động sẽ được ưu tiên thực hiện: Đào tạo, tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa bền vững cho nông dân, xây dựng các điểm trình diễn phục vụ hội thảo đầu bờ, hoàn thiện văn phòng và trang thiết bị cho các đơn vị hỗ trợ dự án, rà soát, kiểm tra các vị trí dự kiến xây dựng kết cấu hạ tầng cho các tổ chức nông dân, hợp tác xã,...
Đây là cơ hội đưa ngành hàng lúa gạo của tỉnh nhà phát triển ổn định và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập, đời sống cho người trồng lúa, góp phần xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay./.
Mai Hương