Những ngày qua, việc triển khai, thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang là vấn đề nóng, được dư luận xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hết sức quan tâm vì có liên quan mật thiết đến sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến nhiều người.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu, rộng, yêu cầu đặt ra với hệ thống chính trị ngày càng cao. Để đáp ứng yêu cầu đó, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trở thành nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng thứ hai (sau công cuộc đổi mới đất nước), đòi hỏi sự quyết tâm cao của toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân. Nghị quyết (NQ) số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chỉ rõ mục tiêu và định hướng cho cuộc cách mạng lần này.
Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được xã hội quan tâm bởi trước hết đây là yêu cầu cấp thiết, khách quan của sự phát triển nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập tồn tại trong tổ chức bộ máy hiện nay như cồng kềnh, chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà, hiệu quả hoạt động chưa cao, cơ chế xin - cho phát sinh tiêu cực, lãng phí. Đây cũng là cơ hội để xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Long An đi đầu, quyết liệt trong thực hiện NQ số 18-NQ/TW bằng Đề án 02-ĐA/TU, ngày 29/12/2017 về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh. Sau 7 năm thực hiện NQ số 18-NQ/TW, Đề án 02, tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng, cơ bản thực hiện tốt mục tiêu tổng quát của NQ.
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cơ bản được sắp xếp tinh gọn, hoạt động ổn định, chất lượng được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Đặc biệt, biên chế của cả hệ thống chính trị được tinh giản, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được sắp xếp, cơ cấu lại, từng bước bố trí theo vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cụ thể, đến năm 2021, toàn tỉnh giảm 11,98% biên chế cán bộ, công chức so với năm 2015. Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, đã giảm 123 đầu mối, gồm 4/37 đầu mối cấp tỉnh tương đương sở (giảm 10,8%, cả nước giảm 4,2%) và 119/487 đầu mối cấp phòng và tương đương trực thuộc sở, ban, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND cấp huyện (giảm 24,4%). Số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý giảm 3 cấp trưởng đơn vị cấp tỉnh, 73 trưởng phòng và tương đương, 186/1.076 phó trưởng phòng (giảm 17,3%, cả nước giảm 10,8%). Toàn tỉnh giảm 124/813 đơn vị công lập với 3.225 biên chế,…
Những kết quả trên phản ánh quyết tâm chính trị, kết quả tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Qua thực tiễn, tỉnh rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, từ đó vận dụng vào việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Thực tiễn tình hình đất nước hiện nay đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo định hướng: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Có như thế, chúng ta mới có đủ nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và giảm mạnh ngân sách chi thường xuyên. Đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi quyết tâm lớn và đồng thuận lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Do vậy, hệ thống chính trị phải tăng cường tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng, hành động trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy. Thường xuyên và kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc việc thực hiện chủ trương này; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Xác định quyết tâm chính trị cao trong thực hiện chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy về tổng kết NQ số 18-NQ/TW và hoàn thiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị. Khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần của Trung ương là “vừa chạy, vừa xếp hàng”; “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện NQ số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh về định hướng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh vào sáng hôm qua (12/12/2024), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức. Do đó, “Tư tưởng phải thông suốt - Quyết tâm chính trị phải cao nhất - Hành động phải thật sự quyết liệt”.
Quá trình thực hiện phải giữ vững, phát huy tinh thần “Đoàn kết - ổn định và phát triển”; có sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao, biết hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
“Việc triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phải gắn với bảo đảm thực hiện tốt; đồng thời, cả 2 nhiệm vụ quan trọng là tăng tốc, bứt phá thực hiện các nhiệm vụ KT-XH năm 2025, góp phần “về đích” thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh tiến tới Đại hội XIV của Đảng./.
Kim Quy