Trong cuộc sống, nói lời cảm ơn và xin lỗi mang một giá trị rất lớn. Biết cảm ơn và xin lỗi kịp thời không chỉ giúp bản thân mỗi người thanh thản và nhẹ nhõm mà còn mang lại cho người nghe một thông điệp đầy ý nghĩa. Đó là nét đẹp văn hóa trong ứng xử, là hành động cần thiết trong mối quan hệ giao tiếp của mỗi người.
Ai cũng đều biết rằng, khi người khác làm giúp mình một điều gì đó, cần phải có lời cảm ơn. Khi ta nói lời cảm ơn, người nhận được lời cảm ơn cũng thấy tự hào về hành động của họ đã làm cho mình. Đây cũng chính là lời động viên để họ tiếp tục giúp đỡ người khác. Khi lời cảm ơn được nói ra, cả người nhận lẫn người nói đều cảm thấy giá trị của bản thân mình được đề cao, chỉ với 2 từ nhỏ bé ấy nhưng chứa đựng bao điều lớn lao. Vậy mới thấy lời cảm ơn xuất hiện thường xuyên, ở mọi lúc, mọi nơi, có tác động tích cực đến hành vi của chúng ta, với mọi người, với cuộc sống. Lời cảm ơn đóng vai trò quan trọng, không chỉ rèn luyện đức tính quan tâm, biết ơn người khác mà còn quan trọng trong việc xây dựng, gìn giữ các mối quan hệ. Nói lời cảm ơn không khó, cái khó chính là ở tâm mỗi người.
Xin lỗi cũng vậy, khi làm việc gì tổn thương tới người khác (dĩ nhiên là cái tổn thương không cố ý), ta xin lỗi. Chỉ với 2 từ xin lỗi, những mâu thuẫn, xích mích hay một cơn tức giận cho dù có lý hay vô lý đều dễ dàng được xoa dịu, phút chốc cũng sẽ được xóa tan một cách diệu kỳ, khiến mọi người trở nên gần gũi và thân thiết hơn.
Thế đấy, giá trị và sự kỳ diệu của lời cảm ơn và xin lỗi, lời nói lịch sự, có văn hóa có khó gì đâu? Nó là biểu hiện của nét văn hóa trong ứng xử của người biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác; chính là chất keo vô hình gắn kết mọi người lại với nhau, là liều thuốc quý chữa bệnh “cái tôi” trong mỗi người. Mỗi chúng ta nên thực hành văn hóa cám ơn, biết xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ cũng là một nét đẹp góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn./.
Nguyễn Chí Thanh