Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Tân Trụ

Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững

Nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, huyện tân trụ đã có nhiều giải pháp, trong đó tái cơ cấu nông nghiệp là một trong những giải pháp phát triển kinh tế bền vững.

Chuyển đổi cây trồng đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương
 là một trong những mục tiêu của đề án tái cơ cấu nông nghiệp huyện Tân Trụ
(Trong ảnh: Cây thanh long đang phát triển ở xã Đức Tân)

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ, tỉnh Long An - Trần Văn Đốc, trước nay đã có nhiều xã, nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, mang lại nguồn thu lớn. Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công, huyện đang tập trung chỉ đạo hoàn thành việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp, các mô hình hợp tác, liên kết “4 nhà” nhằm tạo ra những vùng chuyên canh sản xuất nông sản có sản lượng lớn, chất lượng ổn định. Bên cạnh đó, huyện tập trung nguồn lực tương xứng, đầu tư trọng điểm vào các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, gắn công tác khuyến nông, đào tạo nghề với các vùng dự án sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, việc tái cơ cấu nông nghiệp phải xuất phát từ thị trường, lợi thế từng vùng, từng loại cây, con,… Mục tiêu đến năm 2020, Tân Trụ sẽ có tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp bình quân từ 6-6,5%. Tổng đàn bò là 4.500 con, trong đó có từ 200-300 con bò sữa; đàn gia cầm khoảng 2 triệu con; tổng sản lượng lúa sẽ đạt khoảng 95.000 tấn. Diện tích cây thanh long khoảng 200ha, cây chanh 100ha và rau màu chuyên canh 55ha. Trong năm 2015, có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thời gian qua, huyện quan tâm đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao đến với nông dân, từ đó hiệu quả kinh tế tăng lên nhiều lần. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay hơn 30 triệu đồng/năm. Cùng với việc tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng hiệu quả, diện mạo các vùng quê trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi mới. Cặp con đường vào trung tâm xã Đức Tân, những ruộng thanh long đang vào thời điểm cho thu hoạch. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Trần Thanh An, ngụ xã Đức Tân chia sẻ: “Tôi bắt đầu trồng thanh long vào năm 2012. Hiện tôi có 3,5ha thanh long đã cho thu hoạch và 0,5ha mới trồng. Với năng suất khoảng 8 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, tôi có lãi khoảng 700-800 triệu đồng cho 3,5ha đất”.

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống người dân, Tân Trụ còn quan tâm hỗ trợ người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, từ đó góp phần tiêu thụ sản phẩm dễ dàng và hiệu quả hơn. Phát huy hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương là một trong những mục tiêu mà huyện đang hướng đến trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp. Huyện còn đóng vai trò “cầu nối” cho người chăn nuôi trong việc tiêu thụ sản phẩm. Năm qua, huyện đã tổ chức 2 cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi. Từ những buổi gặp gỡ này, người dân có thể tìm được những hợp đồng cung cấp sản phẩm chăn nuôi của mình cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, còn các doanh nghiệp có thể tìm được nguồn hàng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - Phạm Thị Huân chia sẻ: “Hiện nay, người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, đó là một thực tế diễn ra tại nhiều địa phương chứ không riêng gì Tân Trụ. Việc kết nối với các doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm cho các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do không có kế hoạch ký kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp tiêu thụ từ thời điểm bắt đầu nhập giống, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ theo phương thức bán buôn qua thương lái nên hiệu quả chăn nuôi của nông dân chưa cao. Hiện nay, nhiều chuỗi do mới liên kết nên chưa xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm của chuỗi, chưa tạo được dấu hiệu nhận biết sản phẩm đối với người tiêu dùng, dẫn đến sản phẩm chăn nuôi an toàn có nguồn gốc vẫn phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Chính vì vậy, để hình thành một chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến chế biến một cách hiệu quả, người chăn nuôi và doanh nghiệp cần có sự kết nối, hỗ trợ nhau bền vững”. Để làm được điều đó, thiết nghĩ Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất chăn nuôi theo mô hình các chuỗi liên kết, tập trung hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi có quy mô, hạn chế hỗ trợ trực tiếp cho các hộ chăn nuôi đơn lẻ. Mô hình chăn nuôi theo hướng GAP đang tập trung phát triển nhiều ở xã Bình Lãng, Lạc Tấn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc cho biết thêm, trong Đề án quy hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, Tân Trụ đề nghị các địa phương chọn những cây, con chủ lực; quy hoạch sản xuất tập trung, thu hút nông dân tham gia. Huyện tập trung điều chỉnh, thay đổi các hình thức trồng trọt, chăn nuôi nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất cho người dân trong điều kiện sẵn có cùng với quá trình áp dụng những tiến bộ, thành tựu khoa học - kỹ thuật nhưng cũng không quên bảo vệ môi trường…

Song Hồng

 

Chia sẻ bài viết