Hiện trường khai thác đất mặt trái phép tại ấp 4, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)
Theo phản ánh của người dân, ngày 22/3, phóng viên TTXVN đã đến ghi nhận tình trạng khai thác đất mặt trái phép diễn ra tại ấp 4, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau.
Hiện trường khai thác đất nằm ven tuyến Quốc lộ 63 được che tầm nhìn từ bên ngoài khá kỹ lưỡng. Phía trong khu vực khai thác, những khu lán trại được dựng lên, hiện trường không khác gì một công trường và lúc nào cũng có từ 5 đến 8 xe ben túc trực để chở đất đi. Tiến sâu vào bên trong khu vực khai thác đất, cảnh tượng ít người có thể nghĩ đến là cánh đồng lúa hai vụ của xã An Xuyên bị “xẻ thịt” nghiêm trọng khi có đến 2 hố rộng gần 1ha, sâu trên 4m... Những vết đào còn khá mới, cạnh hai hố sâu là đường mòn mặt đất nhẵn dấu xe tải.
Một người dân cho biết, vào mùa mưa, họ đào đất ở hố gần Quốc lộ 63, mùa nắng họ đào ở hố xa ngoài kia, bình quân mỗi ngày đào 14-15 giờ, đến khuya cho xe tải vào chở đất đi, có ngày huy động 6-7 chiếc xe tải để chở đất.
Cũng theo người dân địa phương, việc khai thác đất này đã bắt đầu từ giữa năm 2017. Do ảnh hưởng của việc khai thác, đê kênh thủy lợi dẫn nước phục vụ sản xuất của khu vực này đã bị vỡ và làm sụp một phần diện tích đất đang canh tác lúa 2 vụ của gia đình ông Phan Văn Tuấn. Ông Phan Văn Tuấn đã có đơn yêu cầu Ủy ban Nhân dân xã An Xuyên giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Ngọc Thùy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Xuyên và được biết phần đất đang khai thác là của ông Trần Văn Biên, ngụ ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau. Phần đất trên có diện tích 22.000 m2. “Ủy ban Nhân dân xã đã cử đoàn công tác làm việc trực tiếp với ông Trần Văn Biên và đã lập biên bản đối với hoạt động khai thác đất mặt; đồng thời buộc dừng ngay hoạt động khai thác kể từ ngày 22/3. Trong ngày, Ủy ban Nhân dân xã An Xuyên đã có báo cáo gấp về Ủy ban Nhân dân thành phố Cà Mau và xin ý kiến chỉ đạo xử lý hoạt động trên”, bà Nguyễn Thị Ngọc Thùy cho biết thêm.
Ông Lý Khánh Ly, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cà Mau cho biết, trong quá trình chờ giải quyết, nếu còn hoạt động khai thác, Ủy ban Nhân dân thành phố Cà Mau sẽ xử lý bằng hình thức giữ phương tiện và áp dụng các chế tài khác. Ủy ban Nhân dân thành phố cũng sẽ báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau cùng các ngành liên quan để xin ý kiến xử lý.
Bên cạnh đó, cũng trên tuyến Quốc lộ 63, cách khu vực khai thác đất tại ấp 4, xã An Xuyên khoảng 7km hướng về xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, cũng đang diễn ra tình trạng tương tự nhưng quy mô khai thác và cơ giới nhỏ hơn.
Giữa năm 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành lệnh cấm khai thác đất mặt trái phép để san lấp mặt bằng. Ngày 16/1/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành quyết định phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, nêu rõ phần lớn các điểm khoáng sản ở Cà Mau chưa đủ điều kiện để khai thác, chỉ khoanh vùng quản lý, bảo vệ tài nguyên theo quy định.
Vì vậy, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau chưa cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tham gia hoạt động khoáng sản. Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường kiểm tra các điểm có khoáng sản, các bến bãi… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là việc một số hộ dân khai thác đất mặt và cát để san lấp mặt bằng với quy mô nhỏ lẻ.
Những quy định về khai thác khoáng sản và chế tài xử lý đều đã có, thế nhưng tình trạng khai thác đất mặt trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra. Tình trạng trên đang đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của ngành chức năng địa phương đối với việc quản lý, kiểm tra và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau./.
Theo TTXVN