Trong hai năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt KT-XH của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều tỉnh, thành trong nước đã thực hiện các giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, đặc biệt là việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn này, chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm bị gián đoạn; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, các công trình xây dựng, dự án,... gặp nhiều khó khăn, phải tạm dừng hoặc duy trì hoạt động với năng lực thấp, dẫn đến nhiều lao động bị thiếu việc làm, giảm thu nhập, cơ hội tìm kiếm việc làm thấp.
Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh cùng sự nỗ lực, đồng thuận của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã triển khai, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nhanh chóng được kiểm soát, KT-XH dần được phục hồi và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) luôn duy trì mức tăng trưởng dương, năm 2020 đạt 4,19%, năm 2021 đạt 1,20%; tuy nhiên, chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh lại giảm trong 2 năm qua, với mức giảm lần lượt là 6,86% và 11,98%.
Nghịch lý này là do phương pháp tính GRDP khác với phương pháp tính thu nhập của người dân. Trong khi tính toán thu nhập của người dân phải trừ thuế, phí, khấu hao thì khi tính toán GRDP lại cộng gộp cả thuế, phí và khấu hao tài sản. Năm 2021, thu nhập của người dân chỉ chiếm 56,1% quy mô GRDP của tỉnh, phần còn lại của GRDP nằm ở thuế, phí và khấu hao tài sản.
Hơn nữa, việc tính toán GRDP của nền kinh tế là tập hợp toàn bộ các đơn vị thể chế thường trú, có trung tâm lợi ích kinh tế trên địa bàn tỉnh. Do đó, một phần tăng trưởng GRDP của tỉnh do khu vực FDI (giá trị tăng thêm của khu vực FDI năm 2020 chiếm khoảng 22,2%/GRDP) và các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành khác đầu tư vào tỉnh đóng góp, trong khi lợi nhuận của khu vực này được chuyển ra nước ngoài hoặc các tỉnh, thành phố khác nên không có ý nghĩa trong cải thiện thu nhập dân cư.
Nhằm giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống, một số giải pháp đã và đang được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai, thực hiện như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có chất lượng, giá trị cao, phù hợp với điều kiện của địa phương, quan tâm nâng cao chất lượng hơn số lượng sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông, logistics; có chính sách hỗ trợ người dân khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; xây dựng mạng lưới thương mại điện tử thông suốt, đào tạo lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao, nâng cao năng suất lao động đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội./.
Lê Bá Hộ (Cục Thống kê Long An)