Tiếng Việt | English

24/12/2016 - 14:10

Tân Hưng: Sâu năn gây hại trên trà lúa Đông Xuân

Theo thống kê ngành nông nghiệp huyện Tân Hưng, hiện có hơn 550ha lúa Đông Xuân bị sâu năn (muỗi hành) gây hại, trong đó có 350ha tỷ lệ gây hại từ 5 đến 10%, hơn 200ha tỷ lệ gây hại 20%.


Nông dân cần thường xuyên thăm đồng

Thời gian qua, sâu năn thường xuất hiện và gây hại chủ yếu trên lúa vụ Hè Thu, tuy nhiên thời gian gần đây do tình hình thời tiết diễn biến bất thường nên sâu năn gây hại mạnh vụ Đông Xuân, khả năng ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch.

Anh Diệp Văn Khánh, ấp Hà Hưng, xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cho biết, “3ha lúa của gia đình xuống giống được hơn 30 ngày tuổi, trong giai đoạn đầu lúa phát triển tốt, những năm trước đây vụ Đông Xuân thường sâu năn không xuất hiện, nếu có cũng rất ích. Vì thế, vụ Đông Xuân này anh không phun thuốc phòng ngừa, hiện toàn bộ diện tích lúa của gia đình bị sâu năn gây hại, ước tỷ lệ khoảng 30%”.


2ha lúa của gia đình anh Võ Văn Quý sâu năn gây hại tỷ lệ 20%

“Sau khi xuống giống thời tiết diễn biến bất thường mưa nhiều, mặc dù cũng thăm đồng thường xuyên, phun thuốc phòng ngừa sâu năn nhưng hiện tại 2ha lúa của gia đình bị sâu năn tấn công, ước tỷ lệ khoảng 20%”- anh Võ Văn Quý, ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng cho biết.

Theo thống kê ngành nông nghiệp huyện Tân Hưng, tỉnh Long An hiện có hơn 550ha lúa Đông Xuân bị sâu năn (muỗi hành) gây hại, trong đó có 350ha tỷ lệ gây hại từ 5 đến 10%, hơn 200ha tỷ lệ gây hại 20%.


Bón phân cân đối tránh thừa đạm

Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Hưng - kỹ sư Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, nguyên nhân sâu năn bùng phát và gây hại nhiều trên lúa vụ Đông Xuân này là do thời tiết mưa nhiều, ban ngày trời âm u, sáng sớm xuất hiện sương mù, ẩm độ thấp vào thời điểm nông dân xuống giống, sâu năn xuất hiện và gây hại mạnh trong giai đoạn lúa đẻ nhánh. Dự báo trong thời gian tới sâu năn tăng tỷ lệ gây hại và diện tích nhiễm, để hạn chế sự gây hại của sâu năn, nông dân cần thường xuyên thăm đồng, bón phân cân đối, tránh thừa đạm, khi thấy sâu trưởng thành xuất hiện, 4 đến 5 ngày sau cần phun thuốc đặc trị để phòng trừ.

Do nước lũ rút chậm, đến thời điểm này nông dân trên địa bàn huyện Tân Hưng xuống giống được 21.000/38.000ha, đạt gần 60% diện tích gieo sạ, trong đó gần 4.000ha trong giai đoạn đòng trổ, gần 7.000ha giai đoạn đẻ nhánh và hơn 10.000ha giai đoạn mạ. Các giống chủ yếu trong vụ này là OM 4900, OM 7347, VĐ 20, IR 46-25…

Văn Đát

Chia sẻ bài viết