Tiếng Việt | English

02/02/2017 - 03:33

Tân Hưng: Ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa

Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là một xu hướng tất yếu. Đối với huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, mục tiêu đến 2020 có 4.500ha lúa ứng dụng ƯDCNC tại 6 xã.

Từ thế mạnh cây lúa

Từ khi khai phá vùng đất mới Đồng Tháp Mười đến nay, cây lúa vẫn là thế mạnh của vùng đất Tân Hưng. Nghị quyết các kỳ đại hội Đảng của huyện đều thể hiện nông nghiệp là lĩnh vực chủ lực, mang đến ấm no, hạnh phúc cho người dân. Hiện huyện là vựa lúa lớn nhất tỉnh với diện tích đất sản xuất lúa 38.000ha/vụ, sản lượng trên 450.000 tấn/năm.

Máy cấy lúa xuất hiện trên cánh đồng của huyện Tân Hưng

“Huyện tập trung đầu tư nạo vét kênh mương, phát triển hệ thống bơm điện, xây dựng đê bao, chú trọng liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao,...” - Bí thư Huyện ủy - Lương Sơn Cầu chia sẻ về những tác động của chính quyền để nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển.

Hiện nay, hệ thống bơm tưới “nở rộ” khi huyện có 64 trạm bơm điện phục vụ gần 11.000ha/vụ, có 31.500ha trong đê bao, 100% cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch, hệ thống kênh mương hoàn chỉnh đưa nước về các cánh đồng. Trong vụ Đông Xuân 2015-2016, huyện xây dựng trên 14.400ha lúa chất lượng cao. Liên kết sản xuất được triển khai từ năm 2011 đến nay, trong đó, năm 2016, huyện phối hợp 6 doanh nghiệp thực hiện được gần 6.300ha cánh đồng lớn với 1.555 hộ tham gia.

Sản xuất liên kết theo cánh đồng lớn mang lại hiệu quả tích cực khi giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, tăng lợi nhuận, đặc biệt sản phẩm trong cánh đồng lớn được doanh nghiệp bao tiêu. Đây cũng là hướng đi đang được huyện chú trọng thực hiện với mục tiêu đến năm 2020, diện tích cánh đồng lớn trên cây lúa là 14.500ha.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Theo quy hoạch, đến 2020, huyện có 4.500ha lúa ƯDCNC ở 6 xã: Hưng Điền (1.000ha), Hưng Điền B (1.000ha), Hưng Hà (800ha), Hưng Thạnh (700ha), Thạnh Hưng (500ha), Vĩnh Châu A (500ha). Hiện quy hoạch này được triển khai ở các xã trong vùng quy hoạch và tuyên truyền trong người dân.

Đầu tư nạo vét kênh mương phục vụ dẫn nước tưới tiêu ruộng đồng

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Phan Văn Nỉ: “Để đến năm 2020 có 4.500ha lúa ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Ban Thường vụ Huyện ủy có chương trình hành động để bám sát thực hiện. Theo đó, chỉ tiêu chủ yếu của ƯDCNC trên cây lúa tập trung vào các khâu chính là giống, canh tác, sau thu hoạch. Theo đó, diện tích sản xuất ƯDCNC sẽ sử dụng giống lúa xác nhận, 100% diện tích cơ giới hóa từ làm đất, phun xịt thuốc, thu hoạch; sản phẩm đều được bao tiêu,...”.

Từ kế hoạch ƯDCNC trên cây lúa, trong vụ Đông Xuân 2016-2017, huyện thực hiện mô hình điểm với diện tích 50ha tại xã Hưng Thạnh nằm trong diện tích của Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn. Dù chưa sơ kết, đánh giá nhưng nhìn chung, rất nhiều thuận lợi khi được người dân đồng tình ủng hộ, được sự hỗ trợ của tỉnh và ngành chuyên môn.

Hơn nữa, diện tích áp dụng thí điểm 50ha được thực hiện bởi một trong những HTX có nhiều kinh nghiệm, tiêu biểu trong sản xuất là HTX Gò Gòn. Địa điểm thí điểm cũng là nơi nhiều năm qua thực hiện hiệu quả sản xuất vùng lúa chất lượng cao, cánh đồng lớn và người dân quen với quy trình sản xuất 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm.

“50ha thực hiện ƯDCNC nằm trong đê bao, có trạm bơm điện bảo đảm cho việc tưới tiêu; có máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, đáp ứng cơ bản cho ƯDCNC” - Phó Giám đốc HTX Gò Gòn - Võ Vũ Linh cho biết. Không những vậy, việc ƯDCNC cho 50ha tại HTX Gò Gòn càng thuận lợi khi “máy 3 trong 1” có các chức năng sạ lúa, phun thuốc, rải phân và máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laser được trang bị.

Quyết tâm tạo bước ngoặt mới

Bên cạnh thuận lợi bước đầu, việc thực hiện 4.500ha lúa ƯDCNC có nhiều khó khăn. Đây là hướng sản xuất mới được tiến hành, áp dụng nên còn không ít bỡ ngỡ. Mặt khác, 6 xã trong vùng quy hoạch vẫn còn Hưng Hà chưa có trạm bơm điện, khu vực dự tính triển khai xây dựng trạm bơm điện còn thiếu điện 3 pha,... “Những thiếu thốn này cần có biện pháp tháo gỡ trong thời gian tới; trong đó, rất cần sự giúp sức từ ngành Điện lực” - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Phan Văn Nỉ kiến nghị.

Cơ giới hóa trên đồng ruộng Tân Hưng

“Khi kết thúc vụ Đông Xuân, chúng tôi sẽ đánh giá việc ƯDCNC ở 50ha làm điểm đầu tiên ở xã Hưng Thạnh. Từ đó, rút kinh nghiệm để mở rộng diện tích ở các năm tiếp theo tại các xã khác trong vùng quy hoạch” - ông Phan Văn Nỉ thông tin thêm.

Trong chương trình hành động, huyện đề ra những phần việc cụ thể như thành lập Ban Chỉ đạo chương trình đầu tư xây dựng vùng sản xuất cây lúa ƯDCNC từ huyện đến xã và bộ máy giúp việc. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của nông dân, tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, đồng thuận trong nhân dân để phát triển nông nghiệp ƯDCNC.

Bên cạnh đó, huyện thực hiện công tác quy hoạch, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức lại sản xuất; bảo đảm lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Huyện cũng quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC; xác định và chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho nông sản.

ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp là chương trình mới, nhưng từ tháng 10-2014, trên địa bàn xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, có một đơn vị thực hiện ƯDCNC trong sản xuất lúa giống. Đó là Công ty TNHH Nghiên cứu và Sản xuất giống ƯDCNC Hưng Thịnh. Hiện nay, công ty đang sản xuất 200ha lúa giống ở xã Hưng Thạnh để phục vụ vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Việc sản xuất lúa giống ở đây đều theo các quy trình của công nghệ cao từ giống lúa, cơ giới hóa từ làm đất đến thu hoạch. Đây chính là nơi để huyện học hỏi kinh nghiệm, cách làm trong ƯDCNC trên cây lúa.

Với quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tân Hưng rất kỳ vọng, ƯDCNC trên cây lúa sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bền vững nền nông nghiệp của huyện nhà./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết