Tiếng Việt | English

03/07/2017 - 09:53

Tân Ninh tập trung nâng chất xã văn hóa, nông thôn mới

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn,... là mục tiêu của Nghị quyết về nâng cao chất lượng xã văn hóa (VH), xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2017-2020 mà xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đang triển khai thực hiện.

Còn nhiều khó khăn

Tháng 6/2017, chúng tôi trở lại Tân Ninh, thay đổi dễ nhận thấy nhất chính là những cánh đồng lúa xanh tươi, màu mỡ nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, được cung cấp đầy đủ nước tưới từ các trạm bơm điện và hệ thống kênh, mương thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó là nhiều tuyến đường được mở rộng, bêtông hóa trải dài đến từng ngõ xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và giao thương hàng hóa.

Nhờ được địa phương hỗ trợ xây nhà tình thương vào năm 2016, vợ chồng anh Nguyễn Văn Mướp (giữa) và chị Trần Kim Tiên, ngụ ấp Bằng Lăng có cuộc sống ổn định hơn

Chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên bởi các công trình: Trường học, trạm y tế, trung tâm VH và học tập cộng đồng,... được nâng cấp, xây mới khang trang.

Tất cả những đổi thay đó là “quả ngọt” từ sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, góp phần cho Tân Ninh được công nhận xã VH năm 2014 và xã NTM năm 2015.

Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn theo Quyết định số 1243/QĐ-UBND, ngày 07/4/2017 của UBND tỉnh, về việc ban hành Bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Long An đến năm 2020, Tân Ninh hiện chỉ đạt 11/19 tiêu chí NTM. Trong đó, 8 tiêu chí bị “tuột”: Giao thông, cơ sở vật chất VH, nhà ở dân cư, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế và môi trường. Về xây dựng xã VH, đến tháng 5/2017, xã cũng còn 7 tiêu chí chưa đạt.

Theo Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Hoàng Hận, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là thiếu vốn nên tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản còn chậm, chưa đạt so với kế hoạch. Đồng thời, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng chất các tiêu chí xã VH, NTM.

Nhận thức được điều này, xã tập trung củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình đầu tư xây dựng NTM cấp xã, Ban Quản lý xã, Ban Phát triển ấp, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện chương trình. Đối với các tiêu chí chưa đạt, Đảng ủy đưa vào nghị quyết hàng năm và phân công cụ thể để triển khai thực hiện, xem đây là nhiệm vụ quan trọng gắn với công tác thi đua - khen thưởng của cán bộ, đảng viên.

Quyết tâm nâng chất

“Tân Ninh là xã thuần nông, người dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp nên việc đóng góp kinh phí xây dựng thiết chế VH, kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn còn hạn chế. Để có thể giữ vững và tiếp tục nâng chất các tiêu chí xây dựng xã VH, NTM, Đảng ủy xã chọn những tiêu chí dễ, cần nguồn vốn ít để thực hiện trước và mục tiêu quan trọng nhất là làm sao nâng cao chất lượng cuộc sống người dân” - ông Nguyễn Hoàng Hận cho biết.

Theo đó, xã vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây, con có năng suất cao, phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã gần 14.000 con, tăng trên 3.500 con so với năm 2015. Các mô hình chăn nuôi cá, ếch tiếp tục phát triển, dù với quy mô nhỏ nhưng bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Ngoài ra, xã còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác sản xuất hoạt động, phấn đấu thành lập hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp vào năm 2018; mở các lớp đào tạo nghề nông thôn: Nuôi cá, nuôi bò, trồng lúa chất lượng cao, trồng hoa kiểng, thắt hoa vải,... giúp nông dân tăng thu nhập.

Anh Nguyễn Văn Toàn, ngụ ấp Kênh Bích cho biết: “Trước đây, với thu nhập từ 0,3ha đất lúa và đồng lương công nhân của vợ, cuộc sống gia đình tôi vô cùng vất vả. Dành dụm, gói ghém lắm cũng chỉ đủ ăn và lo cho 2 con đi học, còn căn nhà lá xuống cấp từ lâu chưa có tiền để sửa. Nhờ nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình tôi có điều kiện xây căn nhà kiên cố và đầu tư chăn nuôi bò, thu nhập ngày càng cải thiện”.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, ngụ ấp Kênh Bích, đầu tư nuôi bò, nâng cao thu nhập

Không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xã còn quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội. Đây là một trong những biện pháp thiết thực góp phần thực hiện tiêu chí nhà ở dân cư, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã. Bởi theo rà soát, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo, chưa có nhà ở kiên cố đều là những hộ mới ra riêng, thiếu tư liệu sản xuất hoặc bệnh tật, già yếu không đủ sức lao động.

Năm 2016, xã vận động mạnh thường quân xây tặng 2 căn nhà tình nghĩa và 7 căn nhà tình thương, giúp những hộ gặp khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống. Từ đầu năm 2017 đến nay, xã tiếp tục xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; giới thiệu cho hơn 170 lao động vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp, đạt 77,3% chỉ tiêu nghị quyết.

Thực tế cho thấy, đạt xã VH, NTM đã khó, duy trì, giữ vững danh hiệu lại càng khó hơn. Do đó, đối với tiêu chí “động” như môi trường, xã tăng cường vận động người dân nâng cao ý thức, không vứt rác bừa bãi, xây dựng hệ thống xử lý rác thải đúng quy định, cải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đối với tiêu chí VH, xã đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; nêu gương người tốt - việc tốt, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong xây dựng đời sống VH, NTM để phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Với kế hoạch, lộ trình cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng cùng sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Tân Ninh quyết tâm hoàn thành mục tiêu nghị quyết, tiếp tục được công nhận xã VH, NTM vào năm 2020./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết