PV: BS cho biết tầm quan trọng của việc bảo đảm ATTP đối với sức khỏe con người?
BS.CKII Huỳnh Minh Phúc: ATTP là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm. Những năm qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, sửa đổi, bổ sung để phù hợp mục tiêu công tác quản lý ATTP và bảo đảm sức khỏe người dân. An ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, chất lượng giống nòi của dân tộc. Vì vậy, ngày 21/10/2022, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về việc tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Để bảo đảm an ninh, ATTP trên địa bàn tỉnh, căn cứ Chỉ thị số 17-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 30-CTr/TU, ngày 30/01/2023; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 732/KH-UBND, ngày 22/3/2023 để triển khai, thực hiện Chương trình số 30-CTr/TU.
PV: Công tác bảo đảm an ninh, ATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt những kết quả nổi bật nào, thưa BS?
BS.CKII Huỳnh Minh Phúc: Thời gian qua, công tác truyền thông được thực hiện bằng nhiều hình thức nhằm thông tin về ATTP đến người dân. Năm 2023, toàn tỉnh không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Công tác giám sát ATTP, công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm được tập trung thực hiện. So cùng kỳ năm 2022, số lượt cơ sở được thanh, kiểm tra tăng 21,9%, số cơ sở vi phạm bị xử lý giảm 16,2%, số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng hơn 63 triệu đồng (tăng 9,5%).
Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Hoạt động sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn được đẩy mạnh thực hiện. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.214ha vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP, nông nghiệp hữu cơ. Toàn tỉnh có 66 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000, BRC, HALAL,...) trong chế biến nông sản. Năm 2023, ngành Y tế tổ chức xây dựng 4 mô hình điểm bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP. Kết quả giám sát đánh giá có 4/4 mô hình đạt mô hình điểm bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP.
PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác bảo đảm ATTP còn những khó khăn, hạn chế gì, thưa BS?
BS.CKII Huỳnh Minh Phúc: Bên cạnh những kết quả đã đạt, đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn, uống tuyến huyện, xã chủ yếu sử dụng mặt bằng sẵn có để kinh doanh, quy mô nhỏ nên thiếu các điều kiện về ATTP theo quy định; khó khăn trong công tác quản lý đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố do hoạt động không có thời gian, địa điểm cố định. Việc xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với các cơ sở này cũng gặp không ít khó khăn.
Một số cơ sở chưa tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, lưu thông, phân phối, kinh doanh thực phẩm. Số vụ xử lý vi phạm trên không gian mạng được quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhưng kết quả còn hạn chế. Có nhiều website bán hàng giả mạo, chưa được cơ quan chức năng cấp phép, bán hàng không đạt chất lượng, chưa qua kiểm soát, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng,... làm ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
PV: Được biết, Tháng hành động Vì ATTP năm 2024 được triển khai với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”, BS có thể giải thích về ý nghĩa của chủ đề này?
BS.CKII Huỳnh Minh Phúc: Công tác bảo đảm ATTP nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã vào cuộc và tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ATTP cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước đạt nhiều kết quả. Nhận thức và trách nhiệm của người tiêu dùng được nâng cao.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như tình trạng nhập lậu một số thực phẩm nguy hại, nhiều loại thực phẩm có hình thức kinh doanh mới (kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia) nên khó quản lý; năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu lực lượng triển khai, nhất là ở cấp huyện, cấp xã; chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý ATTP;...
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an ninh, ATTP, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; đáp ứng ngày càng cao hơn trong công tác bảo đảm an ninh, ATTP, chủ đề Tháng hành động Vì ATTP năm 2024 là “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”.
PV: BS cho biết cụ thể những hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Vì ATTP năm 2024 trên địa bàn tỉnh?
BS.CKII Huỳnh Minh Phúc: Tháng hành động được triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5 trên phạm vi toàn tỉnh. Hưởng ứng Tháng hành động, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, thực hiện.
Trong đó, tập trung triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm ATTP như tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về ATTP; phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn; công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật;... Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP từ tuyến tỉnh đến cơ sở đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn, uống,...
PV: Xin cảm ơn BS!./.
Huỳnh Hương (thực hiện)