Tiếng Việt | English

04/03/2021 - 10:54

Tăng cường chăm sóc lúa, hạn chế sâu năn phát triển

Vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2020-2021 đang bước vào giai đoạn thu hoạch, nông dân phấn khởi vì trúng mùa, được giá. Tuy nhiên, hiện nay, một số diện tích gieo sạ đợt 3 (từ ngày 15 đến 30/12/2020) và ngoài lịch thời vụ bị nhiễm sâu năn, do đó năng suất lúa giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Trong số hơn 3.810ha lúa bị nhiễm sâu năn, khoảng 1.000ha bị ảnh hưởng năng suất, số diện tích còn lại đều được phục hồi

Xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An có địa hình trũng, nước rút chậm nên đa số diện tích lúa ĐX 2020-2021 đều gieo sạ vào đợt 3. Đây là lúc thời tiết diễn biến phức tạp nên sâu năn phát triển mạnh. Khoảng 2.000ha lúa ở xã bị nhiễm sâu năn, tỷ lệ từ 10-30%, cá biệt có vài chục hécta nhiễm từ 30-40%.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh - Võ Ngọc Nhồi cho biết: “Đa số các diện tích nhiễm sâu năn trên địa bàn xã đều được các ngành chuyên môn và nông dân phát hiện sớm, từ đó có biện pháp chăm sóc lúa phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về năng suất. Dự kiến năng suất của những diện tích lúa bị nhiễm sâu năn khoảng 6 tấn/ha, thấp hơn 0,5 tấn/ha so với diện tích lúa không bị nhiễm”.

Vụ lúa ĐX 2020-2021, nông dân huyện Vĩnh Hưng gieo sạ trên 28.600ha, trong đó trên 200ha lúa bị nhiễm sâu năn (khoảng 175ha nhiễm từ 10-20% và 73ha nhiễm từ 30-40%). Một số diện tích lúa bị sâu năn gây hại được phát hiện sớm, nông dân chủ động chăm sóc, bón phân nên có dấu hiệu hồi phục.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm chia sẻ: “Trước khi xuống giống vụ ĐX 2020-2021, Phòng phối hợp các ngành liên quan tổ chức tập huấn các biện pháp phòng bệnh trên cây lúa, nhất là các biện pháp phòng trừ sâu năn ở các địa phương có nguy cơ bị nhiễm cao. Theo đó, các diện tích lúa bị nhiễm sâu năn đều được phát hiện sớm; đồng thời, người dân được các ngành chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, giúp cây lúa sớm phục hồi và hạn chế thiệt hại về năng suất. Qua khảo sát, các diện tích lúa bị nhiễm sâu năn chủ yếu là giống lúa thơm và cao sản. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân tiếp tục bón các loại phân có canxi, magie cũng như các loại phân kích thích bộ rễ phát triển”.

Vụ lúa ĐX 2020-2021, toàn tỉnh gieo sạ được 225.000ha, trong đó  hơn 3.810ha lúa bị nhiễm sâu năn từ 5-20%, nhiều nhất là lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười. Ngoài ra, khoảng 27.000ha lúa Xuân Hè tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười cũng phát hiện sâu năn. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp khuyến cáo: Đối với lúa ở giai đoạn đòng trổ, không nên xử lý thuốc hóa học vì sâu năn chỉ gây hại trên các chồi vô hiệu, phun thuốc không hiệu quả; kịp thời tháo cạn nước trong ruộng để hạn chế sự lây lan của dịch hại; tăng cường chăm sóc cây lúa khỏe để bù lại những phần thiệt hại do sâu năn gây ra.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Vụ ĐX 2020-2021, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, lịch gieo sạ được tập trung thực hiện đồng bộ hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, năm 2020, lũ rút chậm, một số diện tích gieo sạ vụ ĐX 2020-2021 trễ dẫn đến lúa bị nhiễm sâu năn. Trong số hơn 3.810ha lúa bị nhiễm sâu năn, khoảng 1.000ha bị thiệt hại về năng suất, thấp hơn so với năm 2017 (khoảng 36.000ha), số diện tích còn lại đã phục hồi, dự kiến năng suất tương đương hoặc cao hơn vụ ĐX 2019-2020. Thời gian tới, để cắt đứt nguồn lây lan của sâu năn, Sở đề nghị các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân ngừng gieo sạ lúa Xuân Hè, chỉ gieo sạ lúa Hè Thu khi có lịch khuyến cáo của ngành chức năng”./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết