Tiếng Việt | English

05/06/2023 - 09:43

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Thời gian qua, Long An triển khai nhiều giải pháp, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN), kêu gọi cộng đồng chung tay hành động, góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn.

Chung tay bảo vệ môi trường

Các cấp, các ngành trong tỉnh nêu cao trách nhiệm trong việc BVMT bằng những hành động, việc làm thiết thực như tuyên truyền, vận động, phổ biến các quy định pháp luật; triển khai, thực hiện các mô hình, cách làm hay về BVMT, góp phần kêu gọi cộng đồng chung tay BVMT trên địa bàn.

Tại huyện Đức Huệ, môi trường những năm gần đây không ngừng được cải thiện, nâng cao. Chính quyền, MTTQ, hội, đoàn thể các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ra quân vệ sinh môi trường và xây dựng nhiều mô hình BVMT.

Nhiều mô hình, cách làm hay phát huy hiệu quả, góp phần thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường (Trong ảnh: Mô hình Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm do UBMTTQ Việt Nam thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ phát động)

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh (thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ), người dân ngày càng nhận thức đầy đủ hơn việc BVMT đối với cuộc sống nên luôn đồng hành thực hiện các mô hình. Đặc biệt, người dân tích cực tham gia mô hình Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm do UBMTTQ Việt Nam thị trấn phát động. Đây là mô hình phù hợp, thiết thực với vùng quê còn nhiều khó khăn.

“Mô hình Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong cộng đồng, giúp người dân biết phân loại rác tại nguồn, góp phần BVMT. Đồng thời, mô hình còn hỗ trợ, chia sẻ với gia đình có hoàn cảnh khó khăn các nhu yếu phẩm phục vụ trong đời sống hàng ngày” - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Đông Thành - Trần Thị Huỳnh Như chia sẻ.

Công tác BVMT được huyện Tân Trụ tập trung thực hiện thông qua vận động, tuyên truyền, kêu gọi người dân, DN chung tay, góp sức,... Từ đó, phát huy hiệu quả, lan tỏa những thông điệp sâu sắc đến với người dân, cộng đồng, làm thay đổi nhận thức trong việc BVMT.

Người dân chung tay cùng địa phương trong công tác xây dựng, bảo vệ môi trường (Trong ảnh: Người dân huyện Tân Trụ ra quân trồng cây xanh cải thiện diện mạo, cảnh quan môi trường)

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Ngô Tấn Tài cho biết: “Từ những việc làm cụ thể của các cấp chính quyền, MTTQ, hội, đoàn thể, sự chung tay, góp sức của người dân, DN, diện mạo, cảnh quan môi trường trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc. Thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, tập trung chỉnh trang môi trường nông thôn, hướng đến xây dựng huyện là một trong những nơi đáng sống, không khí trong lành, môi trường sạch, đẹp”.

Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Công tác BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được tỉnh quan tâm, tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình hoạt động, các DN từng bước nêu cao vai trò, trách nhiệm, chung tay, góp sức với chính quyền địa phương cải thiện môi trường trên địa bàn.

Giám đốc Phát triển bền vững Công ty (Cty) Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân - Lê Anh chia sẻ: Đồng hành cùng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Cty đầu tư, xây dựng nhà máy nhựa tái chế và đi vào hoạt động tại địa bàn huyện Đức Hòa với diện tích 65.000m², tổng công suất 100.000 tấn/năm. Nhà máy cung cấp sản phẩm nhựa tái chế cho thị trường trong nước, góp phần BVMT sống, tiết kiệm nguyên liệu nhựa phế thải cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương.

Đồng hành cùng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân đã đầu tư, xây dựng nhà máy nhựa tái chế và đi vào hoạt động tại địa bàn huyện Đức Hòa, với diện tích 65.000m², tổng công suất 100.000 tấn/năm

Với dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu từ châu Âu, nhà máy áp dụng công nghệ tái chế “bottle to bottle” - mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. Ngoài các tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý, sản phẩm của Cty đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận quốc tế từ Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA). Đây là minh chứng cho chất lượng sản phẩm hạt nhựa tái sinh không chứa chất độc hại, an toàn cho sức khỏe con người, phù hợp để sản xuất các sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm, gồm cả nước uống. Nhà máy đang được vận hành theo tiêu chí “3 không”: Không rác thải, không khí thải, không nước thải. Áp dụng tiêu chí này không chỉ giúp Cty thúc đẩy việc sản xuất không gây ô nhiễm môi trường mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc tái sử dụng các nguồn năng lượng trong sản xuất. Để tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nhà máy đang đầu tư tái sử dụng 80% nước thải và hướng đến mục tiêu đạt đến 100%.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn cho biết: Thời gian qua, công tác BVMT trên địa bàn đạt những kết quả nhất định. Hệ thống các chính sách, pháp luật về BVMT liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo lập hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý nhà nước. Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong công tác BVMT được thực hiện, phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt, lan tỏa trong cộng đồng. Các DN quan tâm đầu tư, xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống xử lý khí thải, nước thải theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; tiến hành lắp đặt trạm quan trắc liên tục chất lượng nước thải để kiểm soát và từng bước hạn chế ô nhiễm, góp phần BVMT;...

Vỏ chai cũ tại nhà máy tái chế nhựa sau khi xử lý sẽ tạo ra hạt nhựa - nguyên liệu tạo thành vỏ chai mới

“Để tăng cường công tác BVMT, Sở tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương, MTTQ, hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm BVMT; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và tăng cường công tác xã hội hóa hoạt động BVMT. Đồng thời, Sở tham mưu, đề xuất UBND tỉnh một số giải pháp để kiện toàn bộ máy quản lý cũng như đội ngũ làm công tác BVMT; nâng cao năng lực chuyên môn, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, huy động nguồn lực tài chính cho công tác BVMT; tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án BVMT, dự án bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường tiếp tục hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình phân loại rác tại các hộ gia đình; hỗ trợ kinh phí để tỉnh xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các đô thị như TP.Tân An, thị xã Kiến Tường” - ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin thêm./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết