Sự phát triển KT-XH có liên quan, ảnh hưởng đến môi trường. Khi chất lượng cuộc sống được nâng lên thì con người càng quan tâm đến môi trường, nỗ lực giữ gìn, tái tạo, bảo vệ môi trường sống xung quanh. Bởi mọi người nhận thức được rằng, bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Sau một thời gian mở cửa thu hút làn sóng đầu tư, giải quyết việc làm, giảm nghèo, tỉnh ta bắt đầu chọn lọc các doanh nghiệp, ưu tiên những doanh nghiệp có công nghệ thân thiện với môi trường. Yêu cầu xây dựng các hệ thống, nhà máy xử lý nước thải trở thành bắt buộc trong xây dựng, vận hành các khu, cụm công nghiệp và các công ty, xí nghiệp. Hoạt động tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, giám sát về môi trường được các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tiến hành thường xuyên gắn với các chế tài kiên quyết đã có tác dụng răn đe và hình thành ý thức chấp hành pháp luật về môi trường trong doanh nghiệp. Từ đó, nhiều điểm đen về môi trường được kiểm soát, giảm thiểu, được dư luận đồng tình.
Trong cộng đồng, hoạt động truyền thông về môi trường của các ban, ngành, đoàn thể được triển khai sâu, rộng đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của nhân dân. Nhiều mô hình bảo vệ môi trường được xây dựng (tuyến đường hoa, đường văn minh đô thị, đường xanh, sạch, đẹp, Ngày Chủ nhật xanh, lò đốt rác gia đình, hố chứa rác thải nông nghiệp,...) đã làm cho môi trường sống từ thành thị đến nông thôn ngày càng sạch hơn, xanh hơn, đẹp hơn, đáng sống hơn. Bảo vệ môi trường được lồng ghép vào phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa, quy ước ấp, khu phố,... trở thành việc làm tự giác của nhiều người dân. Trong cộng đồng xuất hiện các chi, tổ hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên, có những cụ cao niên hàng ngày tự nguyện nhặt rác, chăm sóc hoa kiểng để làm sạch, đẹp xóm làng. Số hộ dân tham gia đổ rác đúng địa điểm quy định ngày càng tăng.Một số nông dân đã ý thức trong xử lý rác thải là bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật.Điều đó cho thấy, từ hệ thống chính trị đến các tầng lớp nhân dân đã quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, góp phần thiết thực xây dựng một môi trường đáng sống.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, đời sống. Ô nhiễm nguồn nước, không khí, âm thanh,... vẫn ảnh hưởng đời sống người dân, đặt ra yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường; toàn xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ngày Môi trường Thế giới 5-6 năm nay, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc đưa ra chủ đề “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” nhằm kêu gọi tất cả quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả thành phố và khu vực. Mọi người cần có hành động thiết thực để bảo vệ môi trường như không xả rác bừa bãi, trồng cây xanh, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực sinh sống, tham gia dọn vệ sinh, làm đẹp đường phố. Đồng thời, phê phán những hành vi làm bẩn xấu, hủy hoại môi trường./.
Kim Quy