Đại tá Trương Văn Chấm - Trưởng Công an TP.Tân An, thông tin, thời gian qua, Công an thành phố đã rà soát các trường hợp, tổ chức, cá nhân CVNL để đấu tranh; đồng thời, tăng cường tuyên truyền trong người dân về TDĐ, CVNL và nhấn mạnh đến những hệ lụy của việc vay nặng lãi để người dân cảnh giác.
Tuy nhiên, có những người vẫn vay nặng lãi, thậm chí có trường hợp 1 người vay của 18 người. “Vay của người này rồi trả cho người kia một ít, số tiền còn lại thì mang đi bài bạc” - Đại tá Trương Văn Chấm cho biết.
Cũng như những địa bàn khác, ở huyện Đức Hòa, nhiều tường, rào, trụ điện đầy rẫy những thông báo cho vay tiền với thông tin rất mập mờ.Hoạt động CVNL thường hướng đến công nhân trong các khu, cụm công nghiệp. Để đấu tranh với TDĐ, CVNL, Công an huyện Đức Hòa tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, đoàn thể và tiến hành nhiều đợt tháo gỡ những thông báo cho vay này.
Cột điện bị dán chi chít những thông báo cho vay tiền
Theo Thượng tá Lê Thành Trung - Trưởng Công an huyện Đức Hòa, người vay nặng lãi đa số là những người thường tham gia cờ bạc. Qua xác định, 10 người vay thì có đến 8 người có tham gia cờ bạc, còn trường hợp vay để làm ăn, sản xuất rất ít.
Trong khi đó, tại Tân Trụ, gần đây, Công an huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trịnh Bùi Nhân (19 tuổi) 500.000 đồng và Nguyễn Xuân Thoại (18 tuổi) 350.000 đồng (cùng ngụ huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi vi phạm quy định về quảng cáo. Cụ thể, Nhân và Thoại bị công an bắt quả tang khi đang tiến hành rải tờ rơi quảng cáo tại ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, với nội dung “Cho vay trả góp với thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày”.
Qua điều tra, trước đó, thông qua những thông tin quảng cáo, Nhân đã cho nhiều người vay. Gần đây, Nhân cho một phụ nữ tên N.T.L. (ngụ ấp Bình Thạnh, xã Nhựt Ninh) vay 5 triệu đồng.Lúc nhận tiền, Nhân chỉ đưa 4 triệu đồng (trừ 500.000 đồng tiền phí và 2 ngày góp trước 500.000 đồng). Theo đó, mỗi ngày, bà L. trả góp cho Nhân 250.000 đồng và phải trả góp như thế trong vòng 23 ngày. Còn chị N.T.T.L (ngụ ấp Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ) vay của Nhân 10 triệu đồng. Lúc nhận tiền, Nhân chỉ đưa 8,4 triệu đồng (trừ 800.000 đồng tiền phí và 2 ngày góp trước 800.000 đồng). Mỗi ngày, chị L. góp cho Nhân 400.000 đồng và cứ thế trả trong 29 ngày,...
Theo Đại tá Phạm Hữu Châu - Phó Giám đốc Công an tỉnh, phương thức CVNL thường rất nhanh chóng, dễ dàng, điều kiện vay đơn giản. Thông thường các đối tượng cho vay dán thông báo, tờ rơi ở nhiều nơi từ thành thị đến nông thôn để ai có nhu cầu thì liên hệ vay. “Chẳng hạn như ở địa bàn TP.Tân An, các thông báo cho vay với thông tin mập mờ, không địa chỉ được dán rất nhiều ở trụ điện, tường rào” - Đại tá Phạm Hữu Châu nói.
Vấn đề CVNL, TDĐ gây bức xúc trong dư luận.Vì lãi suất cao nên có những người mất khả năng chi trả và bị siết nợ, đe dọa.Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến tình hình này và chỉ đạo lực lượng công an, các cấp, các ngành tăng cường đấu tranh, triệt xóa, phòng ngừa TDĐ, CVNL. Công an tỉnh cũng có kế hoạch chuyên đề xử lý các tổ chức, ổ, nhóm TDĐ, CVNL và chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện.
Thời gian qua, hoạt động cho vay nặng lãi đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận
Đại tá Phạm Hữu Châu - Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường lực lượng rà soát, đấu tranh triệt xóa các tổ chức cưỡng đoạt tài sản, CVNL, đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Cùng với các lực lượng, chính quyền địa phương tiến hành tháo gỡ những thông báo cho vay với những hình thức không rõ ràng, mập mờ. Đồng thời, lực lượng công an cũng tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo đấu tranh phòng, chống TDĐ, CVNL. Công an các đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo trong nhân dân về những hệ lụy liên quan đến TDĐ, CVNL.
Liên quan đến vấn đề TDĐ, CVNL, vừa qua, UBND tỉnh nhận định: Thời gian gần đây, hoạt động cho vay, thuê, cầm cố tài sản với lãi suất cao của các tổ chức, cá nhân không thuộc các loại hình ngân hàng, quỹ tín dụng, không có sự bảo đảm của pháp luật đã làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Có trường hợp đối tượng CVNL hoạt động trá hình, núp bóng bằng cách thành lập công ty như công ty tư vấn đầu tư phát triển thương mại hoặc công ty thương mại, cầm đồ, xe môtô, ôtô,... Khi có người vay tiền, các đối tượng lập hợp đồng: Hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng giữ hộ hay cho thuê lại xe nhưng hàng ngày phải góp tiền cho các đối tượng cho vay với lãi suất cao. Đối tượng “vay nóng” phần lớn là lao động tự do, công nhân, xe ôm, buôn bán nhỏ, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng tham gia cờ bạc,...
Theo đó, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn. UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh rà soát, lên danh sách các ổ, nhóm liên quan đến hoạt động TDĐ, CVNL, đòi nợ, siết nợ để có kế hoạch đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật./.
Lê Đức