Tiếng Việt | English

11/12/2019 - 09:04

Tăng cường quản lý các dự án bất động sản, tránh rủi ro cho người mua

Thời gian qua, tình trạng dự án (DA) kinh doanh bất động sản (BĐS) chưa đủ điều kiện pháp lý vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh, để lại nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tại một số DA, một số người dân mua nền đã làm đơn khiếu kiện, tố cáo, giương băng rôn, khẩu hiệu tố cáo doanh nghiệp lừa đảo và cầu cứu các cơ quan chức năng, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.

Sở dĩ có tình trạng trên là do công tác quản lý của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong lĩnh vực này chưa sâu sát; người dân thiếu thông tin, chưa tìm hiểu kỹ DA đã quyết định đầu tư. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là có một số doanh nghiệp BĐS làm ăn chụp giựt, lừa đảo. Có DA đã rao bán khi chưa thực hiện xong các thủ tục kê biên bồi thường đất đai và tài sản gắn liền với đất cho người dân; chưa chuyển xong mục đích sử dụng đất và lập hồ sơ xin giao đất đã tự ý tiến hành san lấp mặt bằng; xây dựng hạ tầng DA khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ thiết kế và cấp phép xây dựng. Nhiều chủ đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; khi bị chính quyền xử phạt nhưng không thực hiện nghiêm túc việc khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, một số sàn giao dịch BĐS, trang mạng quảng cáo lập lờ, lừa đảo người mua. Thậm chí, có DA thật nhưng chủ đầu tư lừa đảo bán một nền cho nhiều người...

Trước tình hình trên, UBND tỉnh và các sở, ngành đã có nhiều chỉ đạo, chấn chỉnh về công tác quản lý nhà nước về thị trường BĐS và tăng cường, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh BĐS.

Để chấn chỉnh tình trạng nhiều chủ đầu tư không công bố hoặc không cập nhật thông tin DA, làm cho chính quyền địa phương và người dân khó giám sát thực hiện DA, UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo tất cả DA đầu tư phải công khai thông tin DA; các bảng thông tin DA phải được lắp đặt tại chân công trình bảo đảm mọi người dân đều đọc được. Đối với các DA sẽ triển khai, kể từ ngày nhận được giấy phép thỏa thuận địa điểm đầu tư hoặc quyết định đầu tư, chủ đầu tư phải lắp đặt bảng thông tin chậm nhất là 10 ngày. Các DA phải cập nhật thông tin tiến độ thực hiện DA, các khó khăn, vướng mắc nếu DA thực hiện không đúng tiến độ.

Đối với DA có vốn đầu tư ngoài ngân sách phải bảo đảm cung cấp các thông tin: Tên DA, tên đơn vị chủ đầu tư, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, quy mô DA, vốn đầu tư, dự kiến tiến độ thực hiện DA...

 UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý việc chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định tại các DA nhà ở sai phép, không phép, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định và tránh rủi ro cho người mua, góp phần lành mạnh thị trường BĐS và ổn định tình hình an ninh, trật tự.

Theo đó, sở, ngành, địa phương cần thực hiện tốt công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công khai thông tin các DA nhà ở đã được phê duyệt, khu đất thực hiện DA trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công khai các DA nhà ở đã được phê duyệt nhưng có vi phạm pháp luật về đất đai, không đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở; cập nhật tiến độ thực hiện DA để người dân và chính quyền địa phương theo dõi, giám sát. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện đúng các quy định về việc thực hiện DA đầu tư, việc mua bán, kinh doanh nhà đất theo quy định của pháp luật. Cung cấp các thông tin cần thiết khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên hệ tìm hiểu thông tin DA. Thường xuyên theo dõi việc quảng cáo mua bán nhà đất tại những DA BĐS không đúng sự thật, có dấu hiệu “lừa đảo” trên những trang mạng xã hội để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Cùng với chính quyền, người dân có thể thực hiện quyền giám sát các DA BĐS trên địa bàn. Khi quyết định đầu tư, cần tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin từ chính quyền và ngành chức năng để tránh rủi ro./.

Tân An

Chia sẻ bài viết