Tăng cường quản lý xả thải tại các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động (Ảnh chụp hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Hòa Bình)
Thời gian qua, tỉnh Long An có nhiều chủ trương, chính sách trong việc cải thiện môi trường, thu hút đầu tư. Song song đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường, nhất là tại các K,CCN đang hoạt động trên địa bàn - những nơi dễ xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư K,CCN cũng nhận thức tầm quan trọng của môi trường nên tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật, phối hợp cơ quan chuyên môn trong việc BVMT. Mặt khác, các chủ đầu tư K,CCN còn tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động tại K,CCN trong việc BVMT.
KCN Hòa Bình hoạt động trên địa bàn xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa từ năm 2008, với tổng diện tích 118ha.Không chỉ cố gắng nâng cao tỷ lệ lấp đầy mà chủ đầu tư luôn chú trọng đến việc BVMT. Trước khi tiếp nhận doanh nghiệp thứ cấp, chủ đầu tư đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy định, bảo đảm xử lý toàn bộ nước thải của các đơn vị hoạt động. Bên cạnh đó, khu còn lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, truyền dữ liệu 24/24 về Sở TN&MT theo dõi, giám sát; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho các doanh nghiệp thứ cấp tại đây nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chung tay BVMT.
Toàn tỉnh có gần 30 doanh nghiệp lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra
Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH TV-XD Tứ Hợp (hoạt động trong KCN Hòa Bình), nước thải của công ty được đổ về khu xử lý nước thải tập trung trong KCN để xử lý. Chất thải nguy hại, công ty ký hợp đồng thu gom với đơn vị đủ chuyên môn để vận chuyển, xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, công ty luôn tuyên truyền cho người lao động về ý thức, trách nhiệm của mình trong việc BVMT để họ tự giác cùng cộng đồng thực hiện.
Giám đốc Hành chính - Quản trị KCN Hòa Bình - Đặng Trung Tín cho biết: Chúng tôi luôn ý thức, chú trọng công tác BVMT. Chúng tôi đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn để xử lý nước thải của các doanh nghiệp hoạt động tại đây.
Khu thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, phối hợp ngành chuyên môn trong việc BVMT. Các doanh nghiệp thứ cấp, người lao động trong khu tự giác, ý thức cao việc BVMT. Các chất thải sinh hoạt, nguy hại được khu ký hợp đồng với đơn vị đầy đủ chức năng để vận chuyển, xử lý.Hệ thống nước thải của khu có công suất thiết kế 4.000m3/ngày đêm, giai đoạn 1 là 2.000m3/ngày đêm (vận hành thực tế khoảng 1.000m3/ngày đêm). Trạm quan trắc nước thải tự động của khu đã kết nối, truyền tải dữ liệu 24/24 về Sở TN&MT theo dõi, kiểm tra. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện các công tác BVMT, phối hợp ngành chuyên môn, tuân thủ nghiệm ngặt các quy định của pháp luật để BVMT trong khu cũng như trên địa bàn.
Tương tự, công tác BVMT tại CCN Lợi Bình Nhơn (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) cũng được chủ đầu tư tuân thủ nghiêm ngặt. Ngoài việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, chủ đầu tư còn ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt cũng như nguy hại với đơn vị có đầy đủ chức năng theo quy định. Hàng quí, đơn vị thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về Sở TN&MT theo dõi, kiểm tra.
Theo Ban Quản lý CCN Lợi Bình Nhơn, trước khi tiếp nhận đầu tư, cụm đã hoàn thiện hạ tầng, trong đó có hệ thống xử lý, bảo đảm xử lý toàn bộ nước thải của các đơn vị khi vào hoạt động tại đây. Hệ thống xử lý nước thải tại đây được trang bị hiện đại, với công suất thiết kế 600m3/ngày đêm, có hồ sinh thái nuôi cá để kiểm tra chất lượng nguồn nước thải đã được xử lý. Cụm chủ động phối hợp ngành chức năng trong vấn đề môi trường, thường xuyên phổ biến các quy định pháp luật để các doanh nghiệp thứ cấp nắm bắt, thực hiện. Ngoài ra, cụm tiếp tục phối hợp địa phương trên địa bàn hoạt động thực hiện các hoạt động nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay BVMT.
Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: Công tác BVMT trên địa bàn luôn được lãnh đạo tỉnh, ngành quan tâm, chú trọng, đặc biệt tại các K,CCN. Ngành chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động xả thải của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Bên cạnh đó, ngành tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BVMT để doanh nghiệp nắm bắt, tuân thủ, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện các đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn thiếu ý thức, xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại một vài nơi. Để thực hiện công tác này tốt hơn, sở tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có kế hoạch phối hợp kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất nếu nghi ngờ các đơn vị xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Ngành sẽ tham mưu tỉnh các giải pháp, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp để công tác quản lý nhà nước ngày càng đi vào nề nếp, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Từ đầu năm đến cuối tháng 9-2019, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức 10 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai đối với 20 tổ chức. Trong đó, thanh tra phát hiện vi phạm lĩnh vực này và xử phạt với số tiền 64 triệu đồng. Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 19 tổ chức, thanh tra phát hiện vi phạm và xử phạt với số tiền hơn 3,7 tỉ đồng.
9 tháng năm 2019, Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận 1.956 hồ sơ (HS), tham mưu giải quyết 165 HS biến động; 2 HS bán tài sản gắn liền với đất thuê; 34 HS cấp đổi; 218 HS cấp đổi gắn với sở hữu nhà; 13 HS cấp giấy; 1 HS cấp giấy do kê biên thi hành án; 11 HS góp vốn; 216 HS chuyển nhượng; 78 HS chuyển sang trả tiền thuê một lần; 111 HS tách thửa, hợp thửa; 7 HS cấp lại do mất; 12 HS gia hạn; 103 HS thuê lại; 13 HS xóa thuê lại; 10 HS cấp giấy do trúng đấu giá; 9 HS cấp giấy do sáp nhập; 1 HS xóa góp vốn; 891 HS giao dịch bảo đảm; 2 HS cấp giấy do chia tách; 1 HS chuyển sang thuê đất; 1 HS đăng ký chuyển mục đích; 57 HS phối hợp chuyển nhượng, chuyển mục đích.
9 tháng qua, Bộ phận Tiếp dân của Thanh tra Sở TN&MT đã tiếp 18 công dân, không có đoàn khiếu nại đông người. Số đơn khiếu nại, tố cáo tiếp nhận tồn năm 2018 chuyển sang 3 đơn, thụ lý mới 126 đơn, tổng số đơn phải giải quyết 129 đơn. Trong đó, 21 đơn khiếu nại, tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh; 74 đơn, thư kiến nghị, phản ánh, tố cáo thuộc các lĩnh vực (75 đơn kiến nghị, phản ánh trên lĩnh vực đất đai, 17 đơn khiếu nại, phản ánh, giải trình trên lĩnh vực môi trường); 6 đơn tố cáo; 28 đơn không thuộc thẩm quyền (10 đơn tố cáo và 18 đơn trên lĩnh vực đất đai). Đã giải quyết 92 đơn./.
|
Thanh Mỹ