Kết nối doanh nghiệp tìm kiếm thị trường
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, bình quân hàng năm, nông dân tại Long An sản xuất trên 180.000 tấn rau, 300.000 tấn hoa quả, sản lượng thịt hơi các loại trên 72.000 tấn, 160 triệu quả trứng gia cầm,... Kênh tiêu thụ nông sản thông qua thương lái vẫn chiếm số lượng khá lớn.
Sản phẩm chuối của Công ty TNHH Huy Long An tham gia hội chợ
Xác định TP.HCM là thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Long An cùng với lợi thế là địa bàn giáp ranh nên việc liên kết, kết nối giao thương được lãnh đạo Sở Công Thương chú trọng. Năm 2016, Sở Công Thương TP.HCM và Sở Công Thương tỉnh Long An ký kết Bản thỏa thuận hợp tác phát triển công thương giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện bản thỏa thuận hợp tác năm 2017, Sở Công Thương mời các DN, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh tham gia Đoàn công tác của tỉnh làm việc với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SaTra), Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) và Liên hiệp HTX Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) để liên kết xây dựng chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa. Từ đó, giúp sản phẩm của DN, HTX có đầu ra ổn định, sản phẩm nông dân làm ra dễ tiêu thụ. Hiện, Sở Công Thương cung cấp thông tin 34 cơ sở sản xuất rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP cho SaTra, Saigon Co.op để các đơn vị này liên kết xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa tại TP.HCM. Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp UBND huyện Bến Lức tổ chức Hội thảo Tiêu thụ chanh. Kết quả, có 7 cơ sở, HTX ký hợp đồng cung ứng chanh cho các DN phân phối và được duy trì thực hiện.
Hiện nay, các mặt hàng rau sạch, an toàn của Long An có chỗ đứng trên thị trường TP.HCM và đây là động lực giúp nông dân an tâm sản xuất. Đây là kết quả từ nhiều cuộc xúc tiến thương mại của Sở Công Thương thông qua Chợ phiên nông sản an toàn tổ chức tại Nhà hàng Đông Hồ, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Lê Thị Riêng,... của TP.HCM. Qua đây, một số DN, HTX sản xuất rau an toàn được tiếp cận người tiêu dùng TP.HCM, DN đầu mối và ngày càng tin tưởng hơn đối với nông sản của Long An.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn tạo điều kiện cho 14 DN, HTX tham gia Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố năm 2017 với các mặt hàng đặc trưng tiêu biểu của tỉnh. Tại hội nghị, các DN ở Long An tích cực, chủ động thông qua các kênh tiếp xúc trực tiếp, kênh kết nối online tìm kiếm cho mình các nhà phân phối, giới thiệu sản phẩm. Qua hội nghị, có 49 hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa các bên.
Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết: Những năm qua, hoạt động xúc tiến, kết nối DN tiêu thụ hàng hóa ngày càng hiệu quả, đầu ra sản phẩm của DN, HTX ngày càng ổn định. Đây là cơ hội để nông sản, hàng hóa Long An mở rộng thị phần, góp phần cung cấp thực phẩm, hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác. Đặc biệt, việc kết nối cung - cầu còn là cơ hội để các bên liên kết, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường các nước lân cận: Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc,...
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Để giới thiệu, quảng bá và mở rộng thị trường của các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh Long An đến các tỉnh, thành trong và ngoài nước, Sở Công Thương tổ chức các chương trình kết nối giao thương và hỗ trợ DN, HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
“Hữu nghị, hợp tác và phát triển” là chủ đề của Hội chợ, triển lãm (HCTL) tại thủ đô Phnom Penh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và chào mừng Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017. HCTL giới thiệu về tình hình, kết quả phát triển KT-XH của 2 nước, có 120 đơn vị, DN Việt Nam và khoảng 30 DN Campuchia tham gia. Tại đây, gian hàng của DN đến từ Long An thu hút số lượng khách Campuchia tham quan, mua sắm khá lớn. Sản phẩm mang đến HCTL là chanh, thanh long, trà chùm ngây và đèn chiếu sáng bằng công nghệ LED. Kết thúc HCTL, các DN, HTX ký kết được các hợp đồng thương mại và có nhiều đầu mối đăng ký là đại lý độc quyền tại Phnom Penh, Campuchia.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tạo điều kiện cho các DN tham gia 15 đợt HCTL tại các tỉnh, thành phố; 14 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới và khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ 1 điểm bán “Tự hào hàng Việt Nam” tại thị xã Kiến Tường để quảng bá, mở rộng thị trường.
Để hoạt động xuất khẩu hiệu quả hơn, Sở Công Thương Long An phối hợp Bộ Công Thương xây dựng chương trình kết nối giao thương giữa DN xuất khẩu gạo tại Long An và các DN Trung Quốc. Đây là cơ hội để 2 bên trao đổi, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm gạo có thương hiệu, chất lượng của Long An và tăng cường mối quan hệ hợp tác giao thương trong hoạt động xuất khẩu gạo của Long An trong thời gian tới.
Gian hàng của doanh nghiệp đến từ Long An tham gia hội chợ tại thủ đô Phnom Penh thu hútsố lượng khách Campuchia tham quan, mua sắm
Ông Lê Minh Đức thông tin thêm: Để tiếp tục tiêu thụ hàng nông sản của tỉnh, nhất là thanh long, năm 2017, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh tổ chức đoàn đến tỉnh Cao Bằng và thành phố Bách Sắc (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) trao đổi các vấn đề triển khai hợp tác ngành nông nghiệp và thương mại. Trong chuyến đi này, Long An chú trọng kết nối DN tỉnh Long An với DN thành phố Bách Sắc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Năm 2018, ngành Công Thương tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhất là tiêu thụ vào thị trường TP.HCM. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh tiêu thụ chanh không hạt, thanh long vào thị trường các tỉnh, thành phố phía Bắc, các hệ thống siêu thị mini tại các khu chung cư cao cấp. Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp UBND TP.Tân An tổ chức Chợ phiên nông sản an toàn, giới thiệu các sản phẩm nông sản sạch, an toàn đến người tiêu dùng; kêu gọi DN đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ lớn, mang tính động lực trên địa bàn tỉnh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản./.
Mai Hương