Tiếng Việt | English

11/01/2023 - 16:20

Tảo mộ ngày xuân

Mỗi khi tiết trời bắt đầu trở lạnh, hoa mai vàng chuẩn bị khoe sắc cũng là lúc nhà nhà chuẩn bị đón tết. Tết không chỉ là dịp mọi người vui vẻ, sum vầy bên nhau mà còn để tri ân tổ tiên qua các phong tục như đi tảo mộ, sau đó “rước ông bà, tổ tiên” về ăn tết.

Theo truyền thống, các gia đình thường tảo mộ sau khi cúng tiễn ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) đến những ngày cuối của tháng Chạp, trước khi cúng mâm cơm tất niên mời ông bà về đón mừng năm mới cùng con cháu.

Tảo mộ ngày xuân là truyền thống tốt đẹp của người Việt Ảnh: K.Oanh

Người Việt quan niệm: “Sống cái nhà, chết cái mồ”. Hết năm cũ, đón năm mới, mọi thứ đều phải được sửa sang mới mẻ, kể cả mộ phần người đã mất. Vào dịp tảo mộ, người thân đến mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ để nhổ cỏ dại, quét dọn, tu bổ cho ngôi mộ được khang trang hơn.

Tục tảo mộ có ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện tấm lòng thành kính, tưởng nhớ, biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên; đồng thời, thể hiện lối sống nghĩa tình của người sống đối với người đã khuất. Đây cũng là dịp họ hàng ở xa gặp lại nhau, cùng dọn dẹp, sơn phết, trang hoàng mộ phần tổ tiên.

Khi đi tảo mộ, người lớn thường dẫn theo trẻ nhỏ để chỉ dạy con cháu biết những ngôi mộ của gia tiên và được gặp mặt họ hàng, từ đó hiểu thêm về dòng tộc của mình. Mọi việc xong xuôi, mọi người trong gia tộc cùng nhau dùng bữa cơm thân tình.

Anh Trần Quốc Khánh (20 tuổi, ngụ xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) cho biết: “Tết nào cũng vậy, tôi cùng gia đình phát quang cây cỏ, sơn sửa lại phần mồ mả của ông bà, tổ tiên. Tảo mộ là phong tục tốt đẹp, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nên gia đình tôi thường nhắc nhở con cháu phải giữ gìn”.

Nét đẹp văn hóa tảo mộ được duy trì từ ngàn đời nay, là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Việc giữ gìn những phong tục tốt đẹp như tảo mộ ngày xuân sẽ góp phần giáo dục con cháu lối sống có trước, có sau, nhớ về nguồn cội, biết ơn ông bà, tổ tiên./.

Minh Đức

Chia sẻ bài viết