Ảnh Duy Bằng
Rực rỡ sắc hoa
Những ngày cận tết, chúng tôi có dịp về thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa - nơi được mệnh danh là làng hoa vạn thọ đẹp nhất Long An. Không khí tết nơi đây rộn ràng với những cánh đồng hoa vạn thọ, mào gà, cúc mâm xôi,… Hơn 10 chủ vườn đang tất bật chuẩn bị những chậu hoa đẹp nhất để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ông Nguyễn Văn Huy (quê Bến Tre) cho biết: “Vạn thọ là giống hoa ngắn ngày, tương đối dễ trồng, khoảng 2,5 tháng là thu hoạch. Thế nhưng để có chậu hoa vạn thọ đẹp, các nhà vườn phải chăm sóc rất tỉ mỉ từ lúc xuống giống đến khi bán, phải canh cho hoa nở đều, to, nở đúng dịp tết và lâu tàn. Đây là năm thứ 6 tôi thuê đất ở Thủ Thừa trồng hoa tết. Nơi đây có vị trí thuận lợi, nằm trên trục lộ chính, ngay trung tâm huyện nên dễ dàng vận chuyển. Ngoài bán cho thương lái, tôi còn thuê 4 lô tại Chợ hoa xuân Tân An để bán lẻ”.
Không biết tự bao giờ, cứ vào tháng 10 (Âm lịch), thị trấn Thủ Thừa lại trở thành “điểm hẹn” của hơn 10 nhà vườn quê Bến Tre lên đây thuê đất trồng hoa. Bình quân mỗi năm, các nhà vườn trồng trên 100.000 chậu, chủ yếu là vạn thọ - loại hoa không thể thiếu trong dịp tết đến, xuân về.
Ngược về xã Long Hòa, huyện Cần Đước để được sống trong không khí tết với những đóa cúc khoe sắc. Anh Nguyễn Hữu Trí (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) vui vẻ nói: “Năm nào, quê tôi cũng nhộn nhịp người mua, kẻ bán và cả người dân nơi khác đến chụp ảnh tết. Gia đình tôi trồng hoa bán tết cũng mấy đời rồi, lúc trước chỉ có vạn thọ, mấy năm gần đây trồng thêm cúc Đà Lạt. Cúc Đà Lạt rất khó trồng nên tôi thường đặt phôi giống ở Đà Lạt với giá 500-600 đồng/phôi, trồng khoảng 100 ngày là thu hoạch. Công đoạn khó nhất là tỉa cành, bấm nụ cho hoa ra đều và đẹp. Vụ hoa tết năm nay, gia đình tôi trồng khoảng 1.000 chậu hoa vạn thọ và 1.000 chậu hoa cúc Đà Lạt”.
Mai vàng là loại hoa không thể thiếu mỗi khi tết đến. Trưởng Làng mai Tân Tây (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) - Nguyễn Văn Hoàng khẳng định: “Ông bà ta thường nói không mai bất thành tết phương Nam, thế nên hoa mai luôn được nhiều người ví như nàng tiên của sự may mắn và thịnh vượng trong năm mới. Hoa mai còn là biểu tượng của phúc - lộc trong năm mới. Hiện nay, Làng mai Tân Tây có gần 340ha trồng mai vàng, bình quân mỗi hécta trồng 2.000 cây, giá bán thấp nhất 1 triệu đồng/cây và cao nhất lên đến vài tỉ đồng. Gia đình tôi chuẩn bị xuất bán 1.000 gốc phục vụ thị trường Tết Nguyên đán”.
Làng nghề hối hả vào xuân
Cứ đến gần Tết Nguyên đán, xóm bánh tét Vàm Thủ (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) lại hối hả vào xuân. Bếp nhà nào cũng đỏ lửa, dường như mọi người chỉ biết “ăn ngủ cùng bánh tét”, bởi từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 3 tết, mỗi ngày, xóm bánh tét Vàm Thủ cung cấp ra thị trường hàng ngàn đòn bánh tét, với nhiều loại khác nhau. Bà Nguyễn Thị Kiều Mai (chủ lò bánh tét Chín Mai, ấp Vàm Thủ, xã Bình An) bày tỏ: “Không biết nghề gói bánh tét ở đây có tự bao giờ, chỉ biết đời này truyền sang đời khác. Nghề này đối với gia đình tôi là nghề truyền thống cũng là nghề giúp chúng tôi có cuộc sống ổn định. Ngày thường, gia đình tôi chỉ gói vài trăm đòn bỏ mối cho các tiểu thương ở chợ với giá 18.000 đồng/đòn. Dịp tết phải thuê thêm người phụ. Hầu như người dân quanh đây ai cũng biết gói bánh tét, thậm chí còn gói rất khéo nhưng để sống được với nghề không phải ai cũng bám trụ được”.
Cuối tháng 11 (Âm lịch), các làng nghề làm bánh, mứt lại hối hả vào xuân
Cùng với bánh tét, dưa hấu, mai vàng thì hộp bánh mứt, mâm trà ngày tết là những điều không thể thiếu của gia đình Việt. Và bánh in Long Hựu là một trong những loại bánh không thể thiếu trong ngày tết đến, xuân về. Bà Võ Thị Muội (Cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh in Oanh Muội, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Ngày trước, nhà nào giàu mới làm bánh in để dành ăn từ tết đến ra Giêng, nhà nghèo thì làm ăn ba ngày tết. Bánh in ngày xưa chủ yếu làm thủ công, còn ngày nay nhiều công đoạn làm bằng máy nên không còn vất vả nhưng công đoạn khó nhất vẫn là làm nhân bánh. Theo đó, người thợ phải chọn nguyên liệu cho thật ngon, sau đó xào nhân thật khéo, không được quá khô hay quá ướt. Bánh in Long Hựu có hương vị rất riêng, hợp khẩu vị nhiều người. Đây là món đặc sản và cũng là món quà quê làm ấm lòng người thân”.
Cuối tháng 11 (Âm lịch), đến đầu xóm làm mứt tết tại ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ đã ngửi thấy thoang thoảng mùi mứt gừng, mứt me. Những người thợ làm mứt nhanh tay đảo từng mẻ mứt dưới cái nắng vàng óng. Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan (chủ Cơ sở mứt Huỳnh Ngọc Lan) trải lòng: “Nghề làm mứt tuy vất vả nhưng mang đến lợi nhuận tương đối, nhờ sự tin tưởng của khách hàng nên chúng tôi cố gắng giữ nghề truyền thống của gia đình. Khách hàng chủ yếu là khách quen ở các tỉnh miền Tây và TP.HCM”.
Xuân đang gõ cửa từng nhà, người người lại náo nức chuẩn bị đón một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc. Mong rằng mọi việc thuận lợi để những người trồng hoa kiểng, làm bánh, mứt có một cái tết ấm no./.
Nhã Lam