Nông dân tập trung chăm sóc lúa Hè Thu 2024
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Long An, đỉnh lũ năm 2024 tại các Trạm đầu nguồn (Trạm nội đồng phía Bắc của tỉnh Long An) ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động I. Cụ thể, tại Tân Hưng đạt từ 2,5-2,7m; Vĩnh Hưng đạt từ 2,5-2,7m; Mộc Hóa đạt từ 1,4-1,6m, cao hơn đỉnh lũ năm 2023 từ 0,3-0,5m.
Thời gian xuất hiện đỉnh lũ cao nhất năm 2024 tại các huyện đầu nguồn phía Bắc của tỉnh vào khoảng thời gian từ giữa đến cuối tháng 10/2024. Tuy nhiên, cuối tháng 7/2024 vừa qua do mưa tại chỗ kết hợp với triều cường và nước thượng nguồn đổ về nên đã có một đợt nước lên gây ngập cục bộ một phần diện tích tại những vùng trũng thấp ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Tân Thạnh. Vùng hạ lưu của hai sông Vàm Cỏ (TP.Tân An và các huyện vùng hạ ven sông) có những đợt triều cường mạnh vào tháng 9,10, 11 và tháng 12 năm 2024.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ ước đạt 218.663,5ha lúa Hè Thu 2024, đạt 102% so với kế hoạch, bằng 100,4% so cùng kỳ. Trong đó, đã thu hoạch 90.489,1ha, năng suất (khô) bình quân ước đạt 61,34 tạ/ha, sản lượng ước đạt 555.093 tấn.
Bên cạnh đó, tại 2 huyện Tân Hưng và Thạnh Hóa, nông dân đã tranh thủ gieo sạ lúa Thu Đông ngay sau khi thu hoạch lúa Hè Thu với diện tích 30.922ha.
Hiện nay, các trà lúa Hè Thu 2024 đang chủ yếu ở giai đoạn đòng - trổ - chín nên các đối tượng sâu bệnh hại giảm diện tích nhiễm, chủ yếu xuất hiện đối tượng rầy phấn trắng, bệnh vàng lá chín sớm, bệnh lem lép hạt, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh thối hạt vi khuẩn trên lúa giai đoạn trổ chín. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân tập trung chăm sóc, theo dõi phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện trong giai đoạn này. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra hệ thống thủy lợi, củng cố, cải tạo thủy lợi nội đồng, đê bao, bờ bao; công tác chuẩn bị ứng phó với mưa, lũ bất thường.
Nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười chủ động cài ải đất để đón lũ
Đối với sản xuất lúa vụ Thu Đông 2024 và vụ Mùa 2024-2025, ngành Nông nghiệp tỉnh phấn đấu đạt trên 60.000ha lúa Thu Đông 2024 và trên 1.200ha lúa vụ Mùa 2024-2025. Do đó, yêu cầu các địa phương căn cứ điều kiện thực tế, linh hoạt xây dựng kế hoạch sản xuất.
Theo đó, các huyện phía Nam cần bố trí lịch gieo sạ vụ Thu Đông hợp lý và cần lưu ý đến thời vụ gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm tránh ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Cụ thể, vụ Thu Đông 2024, vụ Mùa 2024-2025 ở các huyện phía Nam dự kiến sẽ gieo sạ theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 20/8- 30/8; đợt 2 từ ngày 18/9- 30/9.
Riêng các huyện vùng Đồng Tháp Mười, do được dự báo khả năng bị ảnh hưởng bởi lũ nên cần vận động người dân không tiếp tục gieo sạ lúa Thu Đông 2024 ở những nơi không có đê bao an toàn, tập trung cày đất ngâm lũ chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025.
Để bảo đảm sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông 2024 và vụ Mùa 2024-2025 đạt thắng lợi, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị, các đơn vị trực thuộc và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, bão, lũ tại địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các giải pháp chủ động ứng phó. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa Hè Thu 2024 để hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng, sâu năn,...; sử dụng các loại phân bón vi sinh, Trichoderma,... giúp phân hủy nhanh rạ, tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, cắt đứt nguồn sâu bệnh; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó chú trọng giảm mật độ gieo sạ và lượng phân đạm./.
Bùi Tùng