Dự kiến huyện Bến Lức sẽ thu hồi khoảng 50ha đất phục vụ dự án
Người dân hy vọng vào dự án
DA Đường Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài hơn 76km với tổng vốn đầu tư khoảng 75.000 tỉ đồng đi qua 4 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Đây là một trong những DA giao thông trọng điểm có ý nghĩa liên kết vùng lớn nhất khu vực miền Nam từ trước đến nay. Khi tuyến đường hoàn thành, bên cạnh việc kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ cho 4 tỉnh, thành DA đi qua mà còn tác động cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với gần 6,9km qua địa bàn tỉnh, để phục vụ việc triển khai thi công tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM, dự kiến, huyện Bến Lức sẽ phải thu hồi khoảng 50ha đất. Đầu tháng 7/2022, Sở GTVT cùng đơn vị tư vấn thiết kế, UBND huyện Bến Lức thực hiện bàn giao cọc ranh giải phóng mặt bằng ngoài thực địa trên địa bàn xã Tân Bửu và Mỹ Yên.
Trưởng ấp 6, xã Mỹ Yên - Nguyễn Thiện Thuật cho biết: “Ngay từ khi có thông tin về DA, người dân đều rất phấn khởi bởi đây là DA trọng điểm quốc gia. Gia đình tôi bị thu hồi khoảng 1.000m2 đất để phục vụ DA. Qua thông tin từ người dân, đa số người dân trong xã đều đồng tình, ủng hộ việc thực hiện DA. Chúng tôi chỉ mong rằng, sau khi thu hồi đất của người dân thì DA được triển khai, thi công càng sớm càng tốt để phát huy hiệu quả, phục vụ sự phát triển kinh tế địa phương cũng như tạo diện mạo mới, thay đổi cuộc sống vùng quê”.
Còn theo ông Phan Văn Trọng, ngụ ấp 7, xã Mỹ Yên, người dân trong ấp đều ủng hộ việc thực hiện DA. “Dù rằng trong số người dân bị thu hồi đất sẽ có hộ gặp khó khăn nhưng với ý nghĩa của một công trình trọng điểm quốc gia, chúng tôi đều đồng tình, ủng hộ vì sự phát triển chung của đất nước. Chúng tôi cũng sẵn sàng bàn giao mặt bằng khi có quyết định thu hồi đất để DA sớm được thi công, bảo đảm đúng tiến độ” - ông Trọng khẳng định.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng huyện Bến Lức - Bùi Văn Trí, ngay sau khi có chủ trương triển khai DA, UBND huyện tổ chức phối hợp Sở GTVT, đơn vị tư vấn và các địa phương có liên quan tổ chức tiếp nhận ranh giải phóng mặt bằng. “Khi Chính phủ ban hành chủ trương thực hiện, huyện sẽ tập trung thực hiện các thủ tục như ban hành các thông báo thu hồi đất, kê biên, kiểm đếm để thực hiện phương án bồi thường đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi DA. Với 6.891m của tuyến đường qua địa bàn huyện, chúng tôi dự tính diện tích đất thu hồi khoảng 50ha” - ông Trí cho biết.
Bảo đảm khởi công dự án đúng tiến độ
Theo Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn, ngay sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư DA Đường Vành đai 3 TP.HCM, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương giao UBND tỉnh chỉ đạo Sở GTVT, UBND huyện Bến Lức chủ động thực hiện các nhiệm vụ như xác định hướng tuyến, phạm vi giải phóng mặt bằng, đo đạc,... để làm cơ sở triển khai DA ngay sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt đầu tư DA. “Đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT phối hợp UBND huyện Bến Lức, đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan họp thống nhất phương án tuyến, quy mô đầu tư. Trong tháng 7 này, tỉnh ban hành quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư DA thành phần 7 (đoạn qua địa bàn tỉnh) và DA thành phần 8 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư); đồng thời, điều chỉnh, thành lập lại Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc và lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát báo cáo nghiên cứu khả thi” - ông Tuấn cho biết.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra cọc, ranh giải phóng mặt bằng chuẩn bị cho công tác thu hồi đất
Theo kế hoạch, trong tháng 8/2022, Sở GTVT sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đến tháng 10, 11, tổ chức khảo sát, lập hồ sơ, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và đến tháng 12 lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát thiết kế kỹ thuật, chọn nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật. Phấn đấu đến tháng 6-2023 sẽ khởi công theo đúng cam kết với Chính phủ. Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh giao UBND huyện Bến Lức làm chủ đầu tư, sau khi nhận bàn giao cọc, ranh giải phóng măt bằng, UBND huyện tập trung thực hiện các bước thu hồi, kê biên, kiểm đếm tài sản, bồi thường để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công.
Ông Bùi Văn Trí cho biết thêm: “Từ nay đến thời điểm khởi công rất gấp rút, khối lượng công việc rất lớn nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để kịp bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công bảo đảm đúng tiến độ cam kết. Trước hết, Ban tập trung thực hiện song song nhiều thủ tục như việc ban hành các thông báo thu hồi đất, triển khai công tác kê biên, kiểm đếm. Bên cạnh đó, Ban tập trung xúc tiến thuê các đơn vị thẩm định giá, thực hiện thẩm định đơn giá bồi thường, trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, đơn vị sẽ thực hiện đồng bộ các trình tự, thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện; vừa làm, vừa kết hợp công tác tuyên truyền, vận động để tạo đồng thuận trong nhân dân nhằm bảo đảm đến trước tháng 6-2023 sẽ có ít nhất 70% mặt bằng sạch bàn giao cho đơn vị thi công để khởi công DA"./.
DA Đường Vành đai 3, giai đoạn 1, dài 76,34km đi qua các địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. DA đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h; đường song hành được làm từ 2 -3 làn xe. Riêng công tác giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện một lần theo quy mô toàn tuyến. DA Đường Vành đai 3 TP.HCM được chia làm 8 DA thành phần với tổng mức đầu tư trên 75.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Theo kế hoạch, trong tháng 7/2022, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết triển khai nghị quyết của Quốc hội. Đến tháng 10/2022, bắt đầu bàn giao mặt bằng và đến cuối năm 2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng cho đơn vị thi công để khởi công DA. Thời gian thực hiện thi công DA 36 tháng, DA đặt mục tiêu thông xe toàn tuyến, hoàn thành cơ bản phần cao tốc vào tháng 10/2025 và hoàn thành toàn bộ DA năm 2026.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp đơn vị tư vấn cùng UBND huyện Bến Lức tập trung mọi công tác chuẩn bị để thực hiện giải phóng mặt bằng, phục vụ việc thi công Dự án (DA) Đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua địa bàn tỉnh.
|
Kiên Định