Tiếng Việt | English

08/02/2021 - 15:31

Tập trung thu hoạch lúa Nàng Thơm Chợ Đào phục vụ tết

Thời điểm này, nông dân xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đang khẩn trương thu hoạch lúa Nàng Thơm Chợ Đào (NTCĐ) để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Nông dân Mỹ Lệ thu hoạch lúa Nàng Thơm Chợ Đào để phục vụ thị trường tết

Nông dân Mỹ Lệ thu hoạch lúa Nàng Thơm Chợ Đào để phục vụ thị trường tết

Nàng Thơm Chợ Đào là loại lúa mùa, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ, thời gian sinh trưởng của loại lúa này kéo dài khoảng 6 tháng và được trồng chủ yếu tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, với diện tích gần 400ha. Hiện nay, lúa tươi được doanh nghiệp bao tiêu với giá 10.000 đồng/kg, giá gạo dao động từ 25.000-26.000 đồng/kg. Năm nay, thời tiết thuận lợi cùng với việc thực hiện Dự án phục tráng lúa NTCĐ, nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP, hạn chế lượng phân bón hóa học và đăng ký nhãn hiệu độc quyền mang thương hiệu riêng của Cần Đước.

Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Lệ - Nguyễn Văn Anh, hiện xã có khoảng 400ha đất lúa có thể sản xuất được NTCĐ nhưng trong vụ mùa này, chỉ có khoảng 200ha trồng NTCĐ. Lúa đang được doanh nghiệp trên địa bàn xã bao tiêu và hiện có trên 52ha sản xuất theo chuẩn VietGAP bằng giống lúa phục tráng do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Được biết, đó là đề tài cấp nhà nước Khai thác và phát triển nguồn gen giống lúa NTCĐ tại xã Mỹ Lệ nhằm phục tráng giống NTCĐ cổ truyền, phát triển và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo NTCĐ.

“Những năm gần đây, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Hiện lúa NTCĐ bước vào giai đoạn thu hoạch, năng suất đạt từ 4,5-5 tấn/ha, cao hơn năm trước khoảng 1 tấn/ha, ước tính nông dân có lãi từ 25-30 triệu đồng/ha” - ông Anh cho biết thêm.

Là người có gần 30 năm kinh nghiệm trồng lúa NTCĐ, ông Trần Văn Nhỏ, ngụ ấp Cầu Chùa, chia sẻ, năm nay là năm đầu tiên giống phục tráng được sản xuất đại trà 52ha tại ấp Cầu Chùa. Nông dân nhận giống lúa từ Trường Đại học Cần Thơ để sản xuất. Kết quả ở vụ này rất tốt, lúa thơm hơn rất nhiều so với vụ trước.

“Nhờ tham gia vào mô hình phục tráng lúa NTCĐ mà gia đình tôi được cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm đầu ra nên rất an tâm sản xuất. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên 3ha lúa NTCĐ của gia đình tôi đạt năng suất và chất lượng cao hơn những năm trước. Hiện nông dân trồng lúa NTCĐ ở xã Mỹ Lệ vẫn chưa có lịch thời vụ rõ ràng nên gieo sạ không đồng loạt, nhiều diện tích lúa NTCĐ không kịp thu hoạch trong dịp tết. Được biết, nếu thu hoạch sau ngày 20 tháng Chạp, giá lúa sẽ giảm khoảng 1.000 đồng/kg, đối với lúa thu hoạch sau tết giá sẽ còn giảm sâu hơn nữa” - ông Nhỏ chia sẻ thêm.

Cũng là người gắn bó lâu năm với lúa NTCĐ như ông Nhỏ, ông Nguyễn Văn Mười, ngụ ấp Cầu Chùa, bộc bạch: “Năm nay, gia đình tôi có 3,5ha lúa NTCĐ tham gia mô hình sản xuất VietGAP, sử dụng phân hữu cơ để nâng cao chất lượng hạt gạo NTCĐ. Năm trước, vụ lúa NTCĐ của gia đình tôi đạt năng suất khá thấp, chỉ khoảng 3,5 tấn/ha, cùng với đó, giá lúa thương lái thu mua tại ruộng chỉ được 9.500 đồng/kg nên không có lãi nhiều. Gia đình tôi vừa thu hoạch được 2ha lúa và đang chuẩn bị thu hoạch số diện tích còn lại. Theo tính toán, vụ này, năng suất lúa NTCĐ của gia đình tôi đạt gần 5 tấn/ha. Tôi rất vui và phấn khởi”.

Từ lâu, NTCĐ đã trở thành đặc sản của quê hương Cần Đước, Long An, bởi những nét đặc trưng làm nên thương hiệu với hạt gạo thon dài và dẻo, thơm. Những dịp lễ, tết, người dân thường chọn mua loại gạo này để nấu cơm dâng cúng ông bà hoặc làm quà biếu bạn bè, người thân. Cứ thế “tiếng lành đồn xa”, gạo NTCĐ dần trở thành loại đặc sản quý giá trong nền nông nghiệp lúa nước và ngày càng được nhiều người biết đến, tin dùng./.

B.Tùng

Chia sẻ bài viết