Tiếng Việt | English

06/08/2020 - 14:57

Tập trung thực thi có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu

Sáng 06/8, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) với các bộ, ngành Trung ương, địa phương và doanh nghiệp trên toàn quốc.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út chủ trì hội nghị tại Long An

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ - Phạm Bình Minh, các Bộ trưởng, đại diện bộ, ngành Trung ương, các đại sứ quán của các nước thuộc khối EU tham dự. Tại Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út chủ trì hội nghị. Đại diện các sở, ban, ngành tỉnh tham dự.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiệp định EVFTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển. Lần đầu tiên một đất nước đang phát triển đã ký kết được một hiệp định với khối EU vô cùng lớn mạnh, từ đó có thể thấy rằng vai trò, vị thế của Việt Nam đã nâng tầm trên trường quốc tế. Thủ tướng so sánh hiệp định EVFTA như là "con đường cao tốc" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU và ngược lại. Điều này càng có ý nghĩa to lớn khi cả hai bên đang gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế - xã hội do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Theo khảo sát, nghiên cứu trong điều kiện bình thường, hiệp định EVFTA sẽ góp phần giúp GDP tăng thêm bình quân lên đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, lên đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% trong 5 năm sau đó. Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, EVFTA dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU thêm khoảng 42% vào năm 2025 và gần 45% vào năm 2030 so với kịch bản không có hiệp định và tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam.

Trong điều kiện bình thường, hiệp định EVFTA giúp GDP tăng bình quân lên đến 3,25% trong 5 năm đầu thực hiện

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội, địa phương phát biểu các tham luận nêu lên những giải pháp, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ để Chính phủ có những chỉ đạo phù hợp, phát huy hiệu quả hiệp định EVFTA trong tình hình hiện nay cũng như giai đoạn sắp tới.

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc kết luận, hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, điều kiện để doanh nghiệp Việt nâng cấp chính mình để vào chuỗi liên kết cung ứng toàn cầu, nhất là khi nhiều tập đoàn EU đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Tuy nhiên, EU là một thị trường tiêu chuẩn cao, khắt khe nên đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn đổi mới, sáng tạo, kiên trì tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, đáp ứng mọi yêu cầu do thị trường đặt ra.

Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường công tác truyền thông, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa với sản phẩm EU,... Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo tất cả bộ, ngành Trung ương, địa phương phải thống nhất, tập trung trong việc thực hiện. Các doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo trong việc tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.

Thủ tướng chỉ đạo giao cho Bộ Công Thương cùng với Văn phòng Chính phủ làm đầu mối tổng hợp các ý kiến, đề xuất tại cuộc họp để báo cáo và tham mưu Chính phủ để có những chỉ đạo, giải pháp kịp thời trong việc triển khai thực hiện.

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Đối với xuất khẩu của Việt Nam, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, nước ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết