Giáo viên hướng dẫn trẻ thực hành rửa tay theo 6 bước
Trong những tháng cuối năm, bệnh TCM có xu hướng gia tăng. Do đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dịch bệnh đến người dân; tập huấn, hướng dẫn cán bộ y tế về giám sát, xử lý ổ dịch, chẩn đoán, điều trị bệnh. Các đội phòng, chống dịch từ tỉnh đến địa phương luôn sẵn sàng tâm thế hỗ trợ trong việc xử lý, dập dịch,... khi có dịch xảy ra. Đặc biệt, các trường mầm non - nơi tập trung lứa tuổi trẻ dễ mắc bệnh nhất, luôn chủ động phòng tránh dịch bệnh.
Một trong những đơn vị thực hiện tốt và chưa ghi nhận ca mắc bệnh nào từ khi dịch bùng phát đến nay là Trường Mầm non Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh). Suốt năm học, nhà trường luôn chủ động phòng tránh dịch từ những việc làm hàng ngày. Giáo viên đảm trách lớp luôn chú trọng rèn luyện cho trẻ biết tự giữ gìn vệ sinh cá nhân, thực hiện 6 bước rửa tay đúng cách trước và sau khi ăn; sau khi tập thể dục, tham gia các hoạt động trong lớp và ngoài trời,... Nhờ vậy, trẻ hình thành được thói quen sạch sẽ mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh đó, nhà trường còn có góc tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh TCM đến phụ huynh. Ngoài ghi chú cách phòng tránh, góc tuyên truyền này còn thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, giúp phụ huynh có sự phối hợp tốt với nhà trường trong việc chủ động phòng tránh dịch bệnh cho trẻ.
Phụ huynh Nguyễn Thị Thúy Kiều, ở ấp Cà Nhíp, xã Tân Bình cho biết: “Nhờ có góc tuyên truyền và thông qua trao đổi với giáo viên của con, tôi biết thêm về những dịch bệnh ở các mùa, đặc biệt về những hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh TCM nếu không kịp thời phát hiện sớm. Từ đó, tôi thông tin lại với gia đình cùng phòng tránh dịch bệnh cho bé”.
Còn tại Trường Mầm non Măng Non (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) - một trong những trường thuộc địa bàn có nhiều ca mắc bệnh TCM nhất nên càng chủ động trong công tác phòng tránh dịch bệnh. Hàng ngày, trong mỗi lớp học, giáo viên giữ gìn vệ sinh phòng học, lau kỹ sàn nhà bằng nước Javen và thường xuyên vệ sinh kệ, đồ dùng, đồ chơi của bé.
Bên cạnh đó, trẻ được chú trọng chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn và thường xuyên được theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện nếu có bệnh. Ngoài trẻ, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cũng đặc biệt chú ý trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường chung để giảm tối đa nguy cơ gây bệnh cho trẻ.
Giáo viên lau sàn phòng học trước khi trẻ ngủ trưa
Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng Non - Võ Thị Thu Hà chia sẻ: “Giáo viên thường xuyên nhắc nhở trẻ trong việc giữ gìn vệ sinh. Đặc biệt với trẻ lớp mầm (trẻ 3 tuổi), dễ mắc bệnh hơn so với lớp chồi, lá nên giáo viên thường xuyên quan sát kỹ, không cho bé ngậm tay, đồ chơi và nhắc nhở, giải thích bé làm vậy là không tốt. Do được thường xuyên nhắc nhở, giải thích nên bé dần bỏ được thói quen này. Với những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ nhưng góp phần không nhỏ trong phòng, chống dịch bệnh TCM của trường”.
Tính đến ngày 27/11/2016, toàn tỉnh ghi nhận 1.915 ca mắc bệnh TCM, giảm hơn 22% so với cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Có thể nói, nhận thức về phòng, chống bệnh TCM đi sâu vào các trường học và nhân dân. Phụ huynh, nhà trường chủ động hơn trong việc thực hiện các công tác phòng, chống dịch bệnh. Và, dịch bệnh TCM cũng không còn là nỗi lo lớn khi ta biết cách phòng tránh./.
Ngọc Sương