Tiếng Việt | English

10/02/2017 - 20:39

Tết trồng cây và tản mạn về cây xanh

Thấm thía lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” mỗi chúng ta rất nên trồng chí ít là một cây, cây phong cảnh hay cây bóng mát, cây lấy gỗ,... đều tốt cho môi trường sinh thái.

Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán, nguyên thủ quốc gia của nước ta đánh trống phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Như năm nay, sau Tết Đinh Dậu, ngày 2/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức phát động Tết trồng cây (TTC) tại khu vực phục hồi môi trường của Công ty Than Đèo Nai (TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh), Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu: “Trong bối cảnh trái đất có xu hướng nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng đe dọa cuộc sống con người trên trái đất, đòi hỏi phát triển kinh tế bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường, trở thành yêu cầu sống còn của mọi quốc gia. Vì vậy, việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng ngày càng quan trọng”.

Vườn cây sanh hơn 7.000m2 của Chi hội Sinh vật cảnh phường 4 (TP.Tân An) trồng trong khu dân cư, ít ra cũng góp phần cho "lá phổi xanh" của thành phố

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: “Hơn nửa thế kỷ qua, lời phát động TTC của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị và đi vào nếp sống thường nhật của nhân dân, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam” và kêu gọi: “Tất cả người dân Việt Nam trong ngày Xuân Đinh Dậu 2017 hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng. Mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây”…

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động TTC và đầu Xuân 1960, Bác tham gia trồng cây ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội), mở đầu mỹ tục TTC của nước ta. Từ đó, đầu xuân năm nào Bác cũng tham gia trồng cây. Xuân Kỷ Dậu 1969, mặc dù sức khỏe yếu, Người vẫn lên chúc tết ở Sơn Tây và tham gia trồng cây lưu niệm ở đồi Vật Lại (Ba Vì).

Người căn dặn mọi người tham gia trồng cây hôm ấy: “Đất nước bây giờ là của ta, cho nên ta phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”... Người từng nói, việc trồng cây tốn kém ít mà lợi ích nhiều... Cũng từ việc trồng cây mà “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn”, Bác Hồ chỉ bảo cặn kẽ như vậy.

Ngày nay, ai cũng thấy lợi ích của rừng. Tán cây cản bụi và tiếng ồn; lá cây tiết ra nhiều chất kháng khuẩn, tiệt trùng trong không khí, giúp ta được hít thở nguồn dưỡng khí trong lành.Rừng còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, nơi dự trữ nguồn dược liệu quý hiếm, cũng là nơi cung cấp nhiều hoa quả bổ dưỡng.

Nhờ cây rừng che phủ mà đất không bị xói mòn, không bị nước mưa cuốn trôi nên từng lớp lá khô tích tụ thành mùn xốp bồi bổ cho đất. Nước mưa còn được rừng giữ lại, làm giàu cho mạch ngầm. Nơi nào có rừng là có rễ cây bám sâu, đan kết trong ruột đất thì đất khỏi bị xói lở, đất lấn dần ra cửa sông, cửa biển, như ở mũi Cà Mau ngày càng có nhiều bãi bồi lấn biển. Nơi nào có rừng đầu nguồn tốt, các trận mưa to không thành lũ dữ vì có cây rừng cản bớt cường lực dòng chảy từ núi đồi cao đổ xuống và từ đầu sông ào xuống cuối sông,...

Một mảng rừng tràm trong khu du lịch "Làng Nổi Tân Lập" thuộc huyện Mộc Hóa, Long An, đang mời gọi khách "du lịch rừng"

Ngày nay, cư dân các nước công nghiệp và đô thị hóa cao rất khao khát được tắm mình trong cảnh quan, môi trường rừng. Mùa nào thức ấy, rừng cho ta ngắm hoa và hái quả. Như rừng Tây Bắc đến mùa hoa ban thì nở đồng loạt, ban tím, ban trắng quyện nhau mà dệt nên phong cảnh thơ mộng, hữu tình. Tại các thành phố, cây xanh được xem là yếu tố tạo nên diện mạo văn minh đô thị và chỉ có cây xanh tác động mới làm giảm nhẹ tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa.

Cây xanh là buồng phổi của đô thị và của mọi khu dân cư bởi nó hấp thu bức xạ, thải ra hơi nước làm mát không khí, lọc các chất độc (cứ mỗi gram bụi chứa 130.000 vi khuẩn các loại!). Cây xanh cũng lọc bỏ chất phóng xạ, hấp thụ thán khí, tiết ra dưỡng khí cho sự hô hấp của con người. Nhà lâm học nổi tiếng - GS. Lâm Công Định đưa ra một thông tin thú vị: Trong 1ha rừng gỗ sồi ở Pháp mỗi năm thu nạp 22 tấn CO2 để tạo ra chất hữu cơ thành sản phẩm tự nhiên, đồng thời đưa vào không khí 16 tấn O2.

Bây giờ là mùa xuân. Chúng ta thấm thía lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và mỗi chúng ta rất nên trồng chí ít là một cây, cây phong cảnh hay cây bóng mát, cây lấy gỗ,... đều tốt cho môi trường sinh thái. Nhiều trường học ở vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An còn để sân trường thiếu bóng mát cây xanh. Nên chăng phát động mỗi học sinh trồng lấy một cây - mít, xoài, me, khế,... vẫn tốt, hay sộp, gừa, sanh,..., những cây dã sinh dễ bứng, dễ trồng, độ tăng trưởng nhanh và ít rụng lá./.

Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây 2017 tại Quảng Ninh

Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây 2017 tại Quảng Ninh 

Cập Nhật 02-02-2017

Chủ tịch nước kêu gọi đồng chí, đồng bào, thanh niên, thiếu nhi cả nước hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng phù hợp với điều kiện 

Q.H 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích