Tiếng Việt | English

24/07/2015 - 10:10

Thanh Phú: Khởi sắc từ hoạt động về nguồn

Xã Thanh Phú, huyện Bến Lức là 1 trong 3 xã được tỉnh chọn làm điểm Về nguồn năm 2015 (An Vĩnh Ngãi,TP.Tân An; Thanh Phú, huyện Bến Lức và Bình Thành, huyện Đức Huệ). Những ngày này, Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Phú vô cùng phấn khởi, đường sá khoác lên mình bộ áo mới với nhiều cờ hoa, biểu ngữ chuẩn bị cho ngày hội Về nguồn và đón nhận danh hiệu văn hóa, nông thôn mới vào ngày 25-7.


Đường kênh Học Trò được nâng cấp, mở rộng đạt chuẩn nông thôn mới từ hoạt động Về nguồn

Về nguồn - “đòn bẩy” xây dựng thành công xã VH, NTM

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phú - Bùi Văn Biểu cho biết, khi bắt tay vào xây dựng xã VH, NTM, địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn xuống cấp, hư hỏng nặng, trong khi nguồn kinh phí xây dựng cơ bản hằng năm không đủ để nâng cấp, xây dựng mới. Nhưng nhờ thông qua các hoạt động Về nguồn của xã và tỉnh mà diện mạo của xã anh hùng Thanh Phú hôm nay có nhiều khởi sắc.

Về Thanh Phú trước ngày đón nhận danh hiệu xã VH, NTM, sự khác biệt dễ dàng nhận thấy so với 4 năm về trước là nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được láng nhựa, bêtông hóa; nhiều công trình trường học, y tế, trạm cấp nước sạch, trụ sở văn hóa ấp, trung tâm văn hóa-thể thao và học tập cộng đồng,... được đầu tư xây dựng khang trang. Cán bộ Tổ chức-Kiểm tra Đảng ủy xã Thanh Phú - Nguyễn Văn Khuê cho biết: “Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn xã đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện”.

Lưu thông qua tuyến đường kênh Học trò (đoạn Thanh Phú-cao tốc) được bêtông với chiều dài gần 1,5km, tổng mức đầu tư gần 2 tỉ đồng, chúng tôi phấn khởi khi nhìn thấy nhiều ngôi nhà tường đã mọc lên thay thế những căn nhà vách lá tạm bợ trước đây. Anh Nguyễn Văn Cường đang xây dựng mới ngôi nhà cặp tuyến đường này vui vẻ nói: “Lúc trước, tuyến đường này hẹp đến nỗi nếu 2 chiếc xe đạp tránh nhau không khéo sẽ rớt xuống kênh. Vào mùa mưa thì đường sình lầy, khổ nhất là đến mùa thu hoạch lúa phải thuê người vận chuyển, còn hằng ngày, phải đưa rước con đi học bằng xuồng. Hiện nay, xem như bao mơ ước trước đây của chúng tôi đã trở thành hiện thực, tuyến đường đã được nâng cấp, mở rộng, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn”.

Trong đợt Về nguồn lần này, Thanh Phú được hỗ trợ nguồn kinh phí ước tính trên 70 tỉ đồng, trong đó, tỉnh hỗ trợ 50 tỉ đồng. Từ nguồn vốn đầu tư này, UBND xã đã xây dựng 13 hạng mục công trình giao thông nông thôn, trạm xử lý nước sạch ở ấp Thanh Hiệp; 2 công trình giáo dục và đào tạo là Trường THCS Thanh Phú với tổng kinh phí trên 9,3 tỉ đồng và Trường Tiểu học Thanh Phú trên 4,2 tỉ đồng;... Em Nguyễn Thị Thúy Vy, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Thanh Phú phấn khởi: “Trường lớp được xây dựng sạch đẹp, giúp chúng em có điều kiện học hành tốt hơn. Sân trường được tráng bêtông rộng rãi và trồng nhiều cây che bóng mát, chúng em vui chơi thoải mái trong giờ ra chơi”.

Phát huy sức mạnh toàn dân

Thanh Phú là một trong những xã có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp với vị thế thuận lợi tiếp giáp TP.HCM, nằm trên tuyến đường huyết mạch Bến Lức-Chợ Đệm,... Tuy nhiên, hiện nay, số công ty, xí nghiệp đến đây đầu tư chưa nhiều, nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác vận động nhân dân đóng góp hưởng ứng hoạt động Về nguồn của xã.

Theo Bí thư Đảng ủy xã - Bùi Văn Biểu, xác định chỉ có xây dựng thành công xã VH, NTM mới giúp địa phương ổn định, phát triển trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng xã vẫn cố gắng tìm nhiều biện pháp tuyên truyền, phát động rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cùng tích cực tham gia hưởng ứng chủ trương thông qua các hoạt động Về nguồn. Qua 4 năm phát động xây dựng xã VH, NTM, địa phương đã huy động trên 222 tỉ đồng; trong đó, người dân, doanh nghiệp hiến đất, tháo dỡ kiến trúc, đóng góp ngày công lao động và tiền mặt trên 42 tỉ đồng để làm đường giao thông nông thôn, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Hiểu được lợi ích của việc tham gia làm đường giao thông nông thôn liên ấp nên khi được địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình bà Nguyễn Thị Đậu, ngụ ấp 1A đã tự nguyện hiến gần 1.000m2 đất ruộng. Bà chia sẻ: “Khi con đường này được mở rộng, bêtông hóa khang trang sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người, trong đó có gia đình và người thân của tôi. Do đó, tôi cảm thấy hiến đất để làm đường là việc nên làm, có ý nghĩa thiết thực, góp phần xây quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn”. Cũng như bà Đậu, ông Thân Văn Đường, ngụ cùng ấp, trong đợt Về nguồn lần này cũng hiến 3 công đất ruộng để láng nhựa đường Bờ Lát (đoạn Thanh Phú-Tân Bửu) dài 1,2km, rộng 3,5m, đạt chuẩn NTM, góp phần mang đến diện mạo mới, sức sống mới cho địa phương.

Có thể thấy, sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của người dân chính là sức mạnh nội sinh để xã Thanh Phú thực hiện thành công xã VH, NTM. Đặc biệt, với sự đoàn kết một lòng của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân đã giúp địa phương sớm xóa bỏ lực cản về giao thông nông thôn, xây dựng làng quê ngày càng khởi sắc và là “đòn bẩy” vững chắc trên bước đường xây dựng xã NTM kiểu mẫu./.

Hữu Bằng

Chia sẻ bài viết