Bài 1: Vẫn sản xuất hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh
Dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 nhưng nền nông nghiệp cũng có hướng đi mới. Đó là liên kết sản xuất, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu tiêu thụ,... giúp nâng cao giá trị sản phẩm, nông sản có đầu ra ổn định.
Hợp tác xã thời 4.0
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, các địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian dài làm nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nông dân “đứng ngồi không yên” vì việc thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, thậm chí có thời gian các chuỗi cung ứng nông sản phải gián đoạn.
Song, bằng biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (ấp 5, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) lại “ăn nên làm ra” trong lúc dịch bệnh. Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Khi dịch Covid-19 bùng phát thì điện thoại thông minh, Facebook, Zalo,... giúp ích cho HTX rất nhiều. Cụ thể, HTX được Sở Công Thương tạo điều kiện tham gia các group Zalo giao thương với các tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp Long An, Đồng hương Long An,... để quảng bá, kết nối tiêu thụ và giới thiệu nông sản lên sàn giao dịch.
Song song đó, khi đối tác đặt rau, củ, quả mà HTX không đáp ứng được thì HTX đăng lên mạng xã hội kêu gọi nông dân trong và ngoài huyện có nông sản phù hợp thì liên hệ để HTX đến tận nơi thu mua. Những loại nông sản của nông dân chưa tìm được đầu ra cũng được HTX đăng lên mạng xã hội để khách hàng có nhu cầu thì đặt hàng. Ngoài ra, HTX còn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin đăng ký xe "luồng xanh", làm giấy nhận diện phương tiện có mã QR để được lưu thông khắp các tỉnh, thành từ miền Tây đến miền Đông Nam bộ. Bình quân mỗi ngày, HTX tiêu thụ gần 20 tấn rau, củ, quả, trong khi ngày thường chỉ tiêu thụ từ 2-5 tấn rau, củ, quả”.
Anh Châu Văn Xuân (xã Mỹ Thạnh) nói: "Tôi trồng khoảng 2.000m2 khổ qua, lúc thu hoạch rộ, bình quân khoảng 200kg/ngày. Nếu không có HTX, tôi không biết phải tiêu thụ khổ qua ở đâu vì lúc giãn cách, việc đi lại rất khó khăn”.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh “ăn nên làm ra” trong lúc dịch bệnh
Trong đợt dịch Covid-19 này, HTX Mỹ Thạnh vẫn bán giá bình ổn, thậm chí chấp nhận bán huề vốn để giúp nông dân được tiêu thụ nông sản. Hàng ngày, HTX chuẩn bị hàng trăm combo nông sản theo nhu cầu đặt hàng của các địa phương nhưng sau khi trừ tất cả chi phí: Vận chuyển, nhân công, thiết bị, phương tiện thì hầu như không có lời.
Sản xuất sạch dẫn lối tiêu thụ nông sản
Thành lập từ vùng chuyên trồng rau ở huyện Cần Đước, HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân) từng bước khẳng định được uy tín, chất lượng từ kế hoạch sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Điều này được khẳng định khi trong tình hình dịch bệnh Covid-19, hoạt động của HTX vẫn ổn định. Không phải ngẫu nhiên mà HTX đạt kết quả như thế.
Khi mới thành lập, HTX cũng phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, trong đó chủ yếu là các thành viên sản xuất theo kiểu truyền thống. Để thay đổi tư duy sản xuất, HTX phối hợp ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các thành viên; đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm với hệ thống Bách Hóa Xanh, siêu thị, cửa hàng rau sạch,... Nhờ vậy, đến nay, HTX xây dựng được 15ha rau đạt chuẩn VietGAP.
Nhờ sản xuất sạch, Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa tìm được đầu ra ổn định dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp
Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng nói: “Đã khẳng định được uy tín, chất lượng và có lượng khách hàng ổn định nên HTX không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. HTX định hướng các thành viên sản xuất theo nhu cầu thị trường, không sản xuất theo cái mình đang có; hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học trong quá trình canh tác. Bình thường HTX tiêu thụ từ 1,5-2 tấn rau/ngày, còn khi dịch bệnh bùng phát, nhiều đối tác đặt 3-6 tấn rau/ngày nhưng HTX chỉ đủ cung cấp 3 tấn rau/ngày”. Sản xuất sạch đã giúp HTX Rau an toàn Phước Hòa tìm được đầu ra ổn định trong mùa dịch.
Liên kết sản xuất - hướng đi tất yếu
Giai đoạn thu hoạch rộ lúa Hè Thu năm 2021 rơi vào thời điểm các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, nhiều cánh đồng lúa đã đến thời điểm thu hoạch nhưng vẫn không có thương lái đến mua và giá lúa rất thấp. Nguyên nhân là việc đi lại, vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn, phải làm nhiều thủ tục mới được thông chốt.
Tuy nhiên, những nông dân có liên kết với HTX lại rất an tâm từ việc thu hoạch đến tiêu thụ nông sản bởi tất cả khó khăn trên đều được HTX giải quyết nhanh chóng. Đơn cử như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hương Trang (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) chủ động ký hợp đồng với 5 đơn vị có máy gặt đập liên hợp ở tỉnh Tiền Giang đến cắt lúa tại huyện Mộc Hóa, lập danh sách đội bốc vác, xin giấy xác nhận của chính quyền địa phương để được đi lại thuận tiện; bố trí chỗ ăn nghỉ hợp lý; test nhanh định kỳ cho nhân công,...
Nhờ vậy, HTX không chỉ thu mua lúa của các thành viên với giá cao hơn bên ngoài từ 200-300 đồng/kg mà còn thu mua thêm của các nông dân ngoài HTX khi bị thương lái bỏ cọc.
Ngoài thu mua lúa của thành viên, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hương Trang còn thu mua lúa của nông dân bên ngoài nhờ liên kết với các công ty, doanh nghiệp
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hương Trang - Trần Văn Sữa bộc bạch: “Hàng năm, HTX đều xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình của địa phương. Khi tham gia HTX, các thành viên có thể liên kết với nhau để nâng cao hiệu quả sản xuất. Khi bắt đầu vụ mới, các thành viên sẽ đồng loạt xuống giống nên hạn chế được tình trạng sâu, bệnh và khi thu hoạch dễ dàng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Sau khi thu hoạch, thành viên được Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Ngọc Lợi, Công ty TNHH Đại Tài,... hợp đồng bao tiêu nông sản, còn phần máy móc, nhân công thu hoạch thì đã được HTX lo”.
Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sâu nhưng ngành Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng trên 3% (chỉ tiêu Tỉnh ủy giao 1,5-2%). Điều này càng khẳng định liên kết hợp tác, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ thông tin chính là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản trong lúc dịch bệnh, góp phần giúp ngành Nông nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra./.
Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, nhiều HTX hoạt động rất hiệu quả. Những HTX hoạt động hiệu quả đều có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp và HTX); đồng thời, có sự chủ động, linh hoạt trong các phương thức kinh doanh, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của các cấp, các ngành”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền
|
(còn tiếp)
Lê Ngọc - Bùi Tùng