Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng mô hình điểm phải toàn diện để có cơ sở đánh giá kết quả, nhân rộng
Kết quả bước đầu
Qua 2 năm thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC, Long An xây dựng 45 mô hình sản xuất lúa ƯDCNC với diện tích 2.844ha. Tham gia mô hình, nông dân tiết kiệm chi phí từ 1,5-2 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình 2-3 triệu đồng/ha/vụ.
Riêng vụ Đông Xuân 2017-2018, có 23 mô hình (1.193ha) gieo sạ theo lịch thời vụ, lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 5-10 triệu đồng/ha. Đối với rau ƯDCNC, xây dựng được 14 mô hình với diện tích 632ha. Trồng rau ƯDCNC, nông dân giảm lượng phân bón vô cơ từ 100-400kg/ha so với trước, năng suất tăng từ 5-20%, rau ít sâu, bệnh, đạt chất lượng, lợi nhuận tăng từ 2-7 triệu đồng/0,1ha so với ngoài mô hình.
Vùng sản xuất thanh long ƯDCNC được mở rộng. Mô hình tưới tiết kiệm giúp người trồng thanh long tiết kiệm 80% công lao động, tiết kiệm điện, nước. Tỉnh hỗ trợ nông dân thực hiện 14 mô hình thanh long ƯDCNC với diện tích hơn 300ha. Nông dân tham gia mô hình, lợi nhuận tăng từ 2,5-5 triệu đồng/ha/vụ.
Từ hiệu quả ban đầu, nông dân tự mở rộng thêm 48 mô hình thanh long ƯDCNC. Đối với bò thịt, bước đầu được triển khai tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đức Hòa.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 9 hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp xây dựng 9 chuỗi thực phẩm được kiểm soát để cung ứng cho thị trường TP.HCM; tạo điều kiện cho các HTX tham gia Chợ nông sản an toàn tại TP.HCM nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ; tổ chức 6 điểm bán rau an toàn, góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.
Tham gia mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao, nông dân tăng lợi nhuận từ 2-7 triệu đồng/0,1ha. ( Trong ảnh: Mô hình trồng rau tại Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai, xã Long Khê, huyện Cần Đước)
Còn nhiều khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi bước đầu, sản xuất nông nghiệp ƯDCNC còn gặp một số khó khăn. Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường chia sẻ: “Khi huyện triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ. Người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn, đâu là sản phẩm thông thường nên giá bán của rau an toàn không cao hơn rau sản xuất theo cách truyền thống trong khi chi phí đầu tư để sản xuất rau an toàn cao hơn nhiều. Một khó khăn khác là việc thiếu điện trong sản xuất gây khó khăn cho nông dân”.
Tại huyện Đức Hòa, tiến độ triển khai đề án còn chậm, nhất là xác định vùng quy hoạch; chưa tạo được liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; chưa có nhiều đơn vị bao tiêu sản phẩm; năng lực của cán bộ chuyên môn còn hạn chế. Huyện đề xuất, tỉnh cần có các giải pháp hướng dẫn huyện thực hiện chương trình đạt yêu cầu.
Lãnh đạo các huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa đề nghị, tỉnh cần sớm triển khai đầu tư hạ tầng, nhất là hệ thống điện phục vụ sản xuất, áp dụng giá điện hợp lý, cải tạo hệ thống thủy lợi (cống, đê bao) trong vùng dự án; đầu tư hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân; tăng cường các mô hình điểm để nông dân học tập, nhân rộng. Đồng thời, tỉnh cần kêu gọi doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
"Các sở, ban, ngành, địa phương rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Năm 2018, mô hình điểm phải toàn diện để có cơ sở nhân rộng, góp phần vào thành công của đề án và đưa vào chỉ tiêu đánh giá, nhận xét năng lực cuối năm của người đứng đầu các sở, ban, ngành và địa phương.
Các ngành liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch từ tỉnh đến địa phương. Đầu tư các công trình cấp bách (ưu tiên sản xuất ƯDCNC) và có kế hoạch giải ngân theo lộ trình. Củng cố, nâng chất, phát triển HTX theo cơ chế thị trường. Đưa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với nông dân tham gia đề án; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC.
Ngân hàng nhà nước phải kết nối với các công ty, HTX xuất khẩu, sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp ƯDCNC báo cáo cấp trên có cơ chế ưu đãi về vốn”.
Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh
|
Tháo gỡ vướng mắc
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các sở, ban, ngành tỉnh đề xuất nhiều giải pháp. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng khuyến cáo nông dân trong vùng lúa ƯDCNC gieo sạ đúng lịch thời vụ, không nên sạ vụ 3 đối với những nơi không có điều kiện. Các địa phương rà soát lại toàn bộ hệ thống thủy lợi để sở tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, đầu tư hợp lý, nhất là vùng sản xuất ƯDCNC.
Sở tăng cường mô hình điểm, phối hợp các ban, ngành liên quan xây dựng lại tiêu chí đánh giá hoạt động của HTX, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, triển khai cụ thể các chính sách hỗ trợ nông nghiệp ƯDCNC đến các địa phương, HTX. Phối hợp sở, ngành tìm đầu ra cho sản phẩm, kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm và chất lượng giống.
Đến nay, Long An xây dựng 45 mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.844ha
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Tiều cho rằng, các địa phương cần rà soát lại dự án cần đầu tư, nhất là công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, báo cáo về sở để sở trình UBND tỉnh xem xét, ưu tiên đầu tư các công trình cấp bách, cần thiết và phân rõ nguồn vốn để ưu tiên bố trí theo kế hoạch.
Về điện sản xuất, thị trường tiêu thụ, Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức nhấn mạnh, sẽ phối hợp chặt chẽ Tổng Công ty Điện lực miền Nam đầu tư các công trình điện, ưu tiên vùng thực hiện đề án bằng việc sử dụng vốn đối ứng để triển khai sớm các công trình trong năm 2018. Vấn đề áp dụng lại giá điện, ngành cũng làm việc với công ty Điện lực Long An để đưa ra mức giá hợp lý.
Các huyện, thị xã, thành phố cần có báo cáo cụ thể về tình trạng sử dụng điện trong sản xuất. Bên cạnh đó, ngành tăng cường giới thiệu sản phẩm đến các đơn vị tiêu thụ nhằm mở rộng thị trường. Về phía nông dân, cần có trách nhiệm với sản phẩm của mình, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, phải tham gia HTX, khi đó, đơn vị bao tiêu ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân thông qua đại diện pháp nhân là HTX, đồng thời, đóng gói bao bì và có mã vạch để truy xuất nguồn gốc hàng hóa./.
Thanh Mỹ