Tiếng Việt | English

17/03/2016 - 08:26

Thời cơ và thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định TPP có thể được thông qua tại Quốc hội của 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam và chính thức có hiệu lực vào khoảng đầu năm 2018. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như hưởng các ưu đãi về chính sách từ Hiệp định mang lại.


Hàng may mặc sẽ có lợi thế Khi Việt Nam gia nhập Hiệp định TTP

Theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh đa số ở dạng nhỏ và vừa, ngành nghề kinh doanh phần lớn là chế biến và xuất khẩu. Trong khi đó, các nội dung đàm phán quan trọng của Hiệp định TPP đối với Việt Nam là cắt giảm thuế nhập khẩu (nhiều loại hàng hóa) trên nguyên tắc chung là đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế. Với một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc hình thức giảm thuế đáng kể, với điều kiện là phải được 11 nước còn lại chấp nhận. Bên cạnh thuế suất, TPP cũng có những ràng buộc cụ thể về nguồn gốc xuất xứ của từng sản phẩm, hàng hóa, chuỗi hàng hóa.

Bà Chung Thị Kim Son - Giám đốc Cty TNHH May xuất khẩu Thành Trực (phường 6, TP.Tân An) cho biết, mỗi năm, Cty may và gia công khoảng 5 triệu sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Thuận lợi của Cty là có đơn hàng là khách hàng cho cả năm, tuy nhiên, thuế suất cho xuất khẩu hiện nay khá cao.

Bà Kim Son cho rằng, việc Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP là điều đáng mừng cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Cty tập trung đầu tư lại nhà xưởng, trang thiết bị máy móc, cơ cấu lại nguồn cung ứng nguyên liệu, nâng cao tay nghề cho công nhân,… nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng. Cũng theo bà Son, việc áp thuế xuất khẩu bằng 0% cũng là điều kiện giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, và gia tăng được tính cạnh tranh trên thị trường. 

Lavifood là Cty hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu rau, củ, quả (tươi và đông lạnh) tại Khu công nghiệp (KCN) Phú An Thạnh, huyện Bến Lức. Ông Phạm Ngô Quốc Thắng - Giám đốc Cty Cổ phần Lavifood cho biết, Cty có công suất sản xuất mỗi năm khoảng 15.000 tấn sản phẩm thành phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, nhà máy vẫn chưa hoạt động hết công suất.

Hiện Lavifood chỉ mới chế biến xoài cát và chanh dây, xuất sang thị trường Hàn Quốc và Úc. Khó khăn lớn của Cty là nguồn nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất bởi đầu vào sản phẩm có lúc, có nơi chưa bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Để giữ chân khách hàng, những sản phẩm không đạt chất lượng về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, Cty loại bỏ ngay từ khâu kiểm soát đầu vào. 

Theo ông Quốc Thắng, để có 1.000 tấn thành phẩm thì phải có 1.000ha để trồng sản phẩm. Vì vậy, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng cũng như chờ đón cơ hội cho doanh nghiệp khi Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP, Cty đang cân nhắc đến việc xây dựng vùng nguyên liệu để đáp ứng được chất lượng cũng như sản lượng cho việc sản xuất và kinh doanh.


Hiệp định TPP được thông qua là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể mở rộng thị trường xuất khẩu

Cty TNHH Sinh học Phương Nam (KCN Xuyên Á, huyện Đức Hòa) chuyên sản xuất các sản phẩm sinh học phục vụ cho quá trình chăn nuôi và trồng trọt. Theo bà Thân Vũ Ánh Hồng - đại diện Cty thì sản phẩm sinh học trước đây hầu như đều do các Cty nước ngoài sản xuất và được doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam chế biến lại. Những năm gần đây, Cty Phương Nam nghiên cứu và chế biến thành công nhiều sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp nên giá bán ra khá rẻ so với hàng nhập khẩu nhưng chất lượng vẫn tương đương.

Thuận lợi của Cty hiện nay là có khách hàng và sản xuất tăng trưởng bình quân hằng năm 20%. Thế nhưng, đứng trước cơ hội Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP, Cty lo lắng không ít bởi khi đó, thuế suất nhập khẩu bằng 0%, vì vậy, sản phẩm của công ty sẽ phải đối mặt trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm khác cùng loại được nhập khẩu. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, đa số doanh nghiệp tại Long An là doanh nghiệp nhỏ và vừa và có nhiều sản phẩm hàng hóa, nông sản đang giữ vị thế tốt trong xuất khẩu. Thời gian tới, khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định TPP là cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong mở rộng thị trường, tăng lượng hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, để giữ vững vị thế trong sản xuất và xuất khẩu, doanh nghiệp cần tuân thủ nhiều nguyên tắc. Trong đó, phải hết sức chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất và đầu tư hạ tầng phục vụ cho sản xuất như trang thiết bị máy móc, nguồn lực lao động.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách về tín dụng để doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư nâng cấp trang thiết bị sản xuất. Các doanh nghiệp có cùng nhóm hàng, ngành hàng nên liên kết lại với nhau nhằm tạo thành chuỗi khép kín trong sản xuất nhằm tạo chuỗi giá trị gia tăng; tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu về chất lượng hàng hóa cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết