Tiếng Việt | English

27/11/2015 - 05:32

Thông điệp kép từ quyết tâm tổ chức COP21 tại Pháp

Các cuộc tấn công khủng bố của IS tại Paris đêm 13/11 khiến công tác chuẩn bị Hội nghị COP21 của Pháp, vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn.

Việc đảm bảo Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Biến đổi Khí hậu thành công và đảm bảo an toàn cho gần 50.000 người tham dự, trong đó có 147 nguyên thủ quốc gia các nước, là trách nhiệm và gánh nặng lớn với nước Pháp. Nhưng hoàn cảnh đó càng thể hiện trách nhiệm và quyết tâm tổ chức thành công COP21 của các nhà Lãnh đạo Pháp.


Bất chấp những khó khăn về an ninh, Pháp vẫn muốn tổ chức một Hội nghị COP thật đặc biệt. Ảnh AFP

Một Hội nghị COP đặc biệt

Khi ban bố trình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định COP21 "vẫn diễn ra bình thường, theo đúng lịch trình". Đây là lần đầu tiên, một hội nghị COP được tổ chức trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy.

Gần 150 nguyên thủ các nước, người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới và gần 50.000 người đăng ký sẽ có mặt tại trung tâm hội nghị ở sân bay Bourget.

Để bảo đảm an ninh, Pháp đã phải tăng cường tối đa lực lượng cảnh sát và hiến binh: 120.000 cảnh sát, hiến binh và quân nhân được triển khai trên toàn quốc; 8.000 cảnh sát được huy động kiểm soát các cửa khẩu và biên giới; 3.000 cảnh sát và hiến binh cho thủ đô Paris.

Riêng khu Bourget (Sein Saint Denis) nơi diễn ra Hội nghị, sẽ có 2.800 cảnh sát túc trực. Các hoạt động míttinh, diễu hành ủng hộ COP21 của dân chúng trong các ngày khai mạc và bế mạc bị đình chỉ, các sinh hoạt bên lề bị cắt giảm. Các nút giao thông, đường tầu điện ngầm, nhà ga, nơi công cộng có thể bị phong tỏa vào bất cứ lúc nào. Đâu đâu cũng thấy hiến binh bồng súng đi tuần.

Nỗi lo khủng bố lấn át những mục tiêu Hội nghị COP21

Bình thường, một hội nghị quốc tế tầm cỡ lớn như COP21 phải là tâm điểm chú ý của dư luận, là mối quan tâm hàng đầu của giới chính trị, nhưng sự kiện tối 13/11, với mức độ nghiêm trọng của nó, dường như đã đẩy các mục tiêu về khí hậu xuống thấp hơn trong thời điểm này.

Tại các hội nghị quốc tế lớn gần đây như Hội nghị G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hội nghị APEC tại Philippines... Sự kiện tối 13/11 và vấn đề khủng bố nổi lên trong chương trình nghị sự, ít ai quan tâm tới COP21.

Người ta đang tập trung lo cho mối đe dọa trước mắt, cụ thể là IS, mà lơ là mối đe dọa lâu dài, chưa định hình rõ là sự nóng lên của bầu khí quyển do hiệu ứng nhà kính.

Quyết tâm của Pháp

Trong hoàn cảnh như vậy, Ban Lãnh đạo Pháp càng thể hiện trách nhiệm và nỗ lực để có một COP21 thành công.

Chỉ còn cách ngày khai mạc một tuần, từ 20-22/11, Ngoại trưởng Pháp Fabius vẫn thực hiện chuyến công du tới 3 nước được coi là có vị trí và tiếng nói rất quan trọng để đi tới một thỏa thuận tại COP21 là Ấn Độ, Nam Phi và Brazil.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Nam Phi có vị thế trong Liên minh châu Phi và đang làm chủ tịch nhóm G77, còn Brazil lại là nước đứng đầu thế giới về nạn chặt phá rừng, trong khi nơi đây được coi là "lá phổi của thế giới".

Cả 3 nước này đều chậm trễ nộp bản đóng góp cho Ban Thư ký COP21. Tiếp theo việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Môi trường của hơn 60 nước hồi đầu tháng 11 tại Paris, được coi là một hội nghị trù bị cho COP21, chuyến đi vừa qua của Ngoại trưởng Fabius là những bước đi cuối cùng chuẩn bị cho COP21.

Những nỗ lực của Ban lãnh đạo Pháp trong suốt một năm qua không uổng phí. Tới nay đã có 170/196 thành viên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến Đổi khí hậu (UNFCCC) nộp bản đóng góp và cam kết giảm khí thải CO2 cho Ban Thư ký COP21. Mặc dù chưa đầy đủ, nhưng đây cũng là một kết quả khả quan nếu xét 170 nước kể trên chiếm 90% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.


Cảnh sát Pháp có mặt trên đường phố để đảm bảo an ninh.

Với Pháp là đầu tầu, các thành viên của Liên minh châu Âu là những nước đầu liên nộp bản đóng góp, cam kết giảm 40% lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2030.

Dưới tác động của Pháp, 2 nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ, vốn có thái độ tiêu cực trước vấn đề, đã thay đổi với các cam kết ấn tượng. Tháng 8/2015, Tổng thống Barack Obama cam kết Mỹ sẽ nâng mức giảm khí thải đã đăng ký từ 28% lên 32% vào năm 2030.

Còn Trung Quốc cuối cùng cũng đưa ra hứa hẹn giảm 20%-25% năng lượng hóa thạch, giảm bớt 60%-65% nồng độ khí thải CO2 vào nội dung đóng góp cho COP21 và cam kết ủng hộ về nguyên tắc “một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý” tại hội nghị này.

Nắm bắt được mâu thuẫn lớn nhất trong việc đi tới một hiệp định mới về biến đổi khí hậu là giữa nhóm các nước phát triển và nhóm các nước đang phát triển trong tỷ lệ cắt giảm khí thải và nghĩa vụ đóng góp cho "Quỹ xanh", Pháp rất quan tâm đến những nước có tiếng nói trong nhóm các nước đang phát triển.

Hồi tháng 2/2015, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã mở đầu chiến dịch vận động cho COP21 bằng chuyến thăm Philippines, một điển hình trong các nước đang phát triển chịu nhiều thiên tai do biến đổi khí hậu.

Tháng 8, Bộ trưởng Môi trường Ségolène Royal đã thực hiện chuyến công du vận động một loạt các nước châu Phi. Và mới đây là chuyến thăm Ấn Độ, Nam Phi và Brazin của Ngoại trưởng Fabius, trong khi việc giải quyết hậu quả cuộc khủng bố tối 13/11 còn bộn bề.

Cả thể giới đang hướng về nước Pháp. Trong bối cảnh này, quyết tâm tổ chức thành công COP21 của Pháp sẽ là thông điệp kép khẳng định ý chí: đoàn kết chiến thắng hiểm họa khủng bố và thảm họa biến đổi khí hậu./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết