Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Thủ Thừa kiểm tra một quán kinh doanh dịch vụ ăn uống ven Quốc lộ 1
Từ những thông tin tố cáo “chặt chém”
QL1 qua địa bàn Long An dài hơn 30km, dọc hai bên tuyến đường này có nhiều quán, cửa hàng kinh doanh ăn, uống. Thế nhưng, những năm gần đây đã xuất hiện những thông tin phản ánh một số quán bán hàng ven QL1 đoạn qua Bến Lức và Thủ Thừa “chặt chém” khách hàng.
Cụ thể, đầu tháng 9/2017, 6 thanh niên đi trên 3 môtô lưu thông trên QL1 hướng về TP.HCM. Đến đoạn gần Cầu Ván, ấp 7, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, ghé vào quán ven đường để ăn cơm; chỉ có 6 đĩa cơm sườn, trứng và ít rau, 6 ly trà đá nhưng chủ quán tính 1,2 triệu đồng. Không chấp nhận giá “khủng” như vậy, cả nhóm thanh niên liền phản ứng nhưng chủ quán vẫn kiên quyết thu đúng giá. Khi khách hàng điện thoại báo chính quyền, UBND xã Nhị Thành cử lực lượng xuống giải quyết và cuối cùng khách chỉ phải trả 400.000 đồng. Vụ việc bán hàng “chặt chém” này gây ra nhiều bức xúc trong dư luận trong xã hội.
Theo hồ sơ đăng ký tại địa phương, chủ quán quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến thuê mặt bằng mở quán ăn. Sau vụ việc này, UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính quán ăn “chặt chém” khách hàng 4 triệu đồng; đồng thời, yêu cầu chủ quán viết cam kết không tái phạm.
Không lâu sau, vào ngày 10/02/2018, trên mạng xã hội lại lan truyền thông tin về một quán ăn bên QL1, đoạn qua ấp 6, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức “chặt chém” khách hàng. Thông tin tố cáo rằng, khách chỉ gọi 5 dĩa cơm sườn với 1 tô canh chua cá kèo (có 4 con to bằng ngón tay) nhưng chủ quán tính giá 800.000 đồng.
Ngay sau khi trên mạng xuất hiện thông tin này, Công an xã Thạnh Đức đến quán ăn T. tìm hiểu, gặp chủ quán để xác minh. Tuy nhiên, chủ quán (quê Vũng Tàu) khẳng định, đó là thông tin bịa đặt. Do thông tin này chỉ xuất hiện, lan truyền trên mạng xã hội, không đủ cơ sở, tính xác thực nên chưa thể xử lý. Theo đó, chính quyền địa phương khuyến cáo, nếu khách hàng bị quán ăn “chặt chém”, cần báo ngay để xã cử lực lượng đến lập biên bản.
Gần đây nhất, vào chiều ngày 01/5/2019, tại quán Bảo Châu, ven QL1, thuộc ấp 2, xã Nhựt Chánh lại xảy ra vụ chủ quán (quê Tây Ninh) và người thân đánh một người khách rách đầu, chảy máu. Nguyên nhân xảy ra vụ đánh nhau là vì người khách tố chủ quán bán hàng “chặt chém” 100.000 đồng/tô hủ tiếu. Sau khi thông tin này lan truyền trên mạng xã hội, chiều 02/5, có một nhóm đối tượng đến đập phá quán ăn Bảo Châu và đánh cha của nữ chủ quán bị thương. Đến ngày 04/5, vợ chồng chủ quán ăn Bảo Châu là Trần Văn Ngoan và Lê Thị Kim Huệ đã trả mặt bằng, trở về quê nhà Tây Ninh.
Trong lúc vợ chồng chủ quán Bảo Châu một mực khẳng định “không bán hàng “chặt chém” như tố cáo” thì lại xuất hiện một clip tố cáo nữ chủ quán này. Trong clip này cho thấy, trước đây, nữ chủ quán Lê Thị Kim Huệ đã có hành vi chạy xe máy chặn đầu ôtô giữa đường và cùng một số người cầm hung khí hù dọa, chửi bới, đập vào ôtô, thóa mạ người trên xe vì trước đó vào quán ăn nhưng xảy ra mâu thuẫn nên bỏ đi.
Hiện Công an huyện Bến Lức đang xác minh, làm rõ có hay không việc chủ quán bán hàng “chặt chém” như tố cáo; truy tìm nhóm người đến đập phá quán để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời tiếp tục xem xét để xử lý hành vi chủ quán và người thân đánh người khách bị thương ở đầu. “Trước mắt, UBND huyện đã ký và công bố quyết định xử phạt hành chính chủ quán Bảo Châu 13.250.000 đồng. Lý do, quán ăn Bảo Châu kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm, kinh doanh không niêm yết giá” - Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết.
Kiểm tra hàng loạt quán ăn trên Quốc lộ 1
Khi vụ việc lùm xùm xảy ra ở quán ăn Bảo Châu chưa lắng dịu thì gần đây lại tiếp tục xuất hiện thông tin phản ánh, một quán ăn uống giải khát ven QL1, thuộc ấp 6, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức bán hàng “chặt chém” khách. Ngay sau đó, xã Thạnh Đức tiến hành kiểm tra nhưng chủ quán không có mặt tại quán. Tuy nhiên, qua làm việc việc với ngành chức năng, người đại diện của quán không cung cấp được giấy phép kinh doanh, không hồ sơ an toàn thực phẩm và không có hợp đồng lao động.
Những thông tin buôn bán “chặt chém” khách hàng xảy ra ven QL1 như trên đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh địa phương. Không những vậy, việc buôn bán của nhiều hàng quán dọc đường qua 2 huyện Thủ Thừa và Bến Lức cũng ế ẩm hơn trước vì ít khách ghé vào.
Trao đổi với chúng tôi, bà N.T.M - chủ một cửa hàng buôn bán nước giải khát ven QL1, đoạn qua xã Nhị Thành, cho rằng: “Không phải ai cũng buôn bán “chặt chém”. Thế nhưng, từ những vụ việc, thông tin tố cáo (đã xác minh rõ và cả những thông tin chưa xác thực) về bán hàng “chặt chém” làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của nhiều gia đình ven QL1 qua huyện Bến Lức và Thủ Thừa. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp bán hàng “chặt chém” khách; nếu cần thiết nên yêu cầu đóng cửa chứ không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”. Đó cũng là biện pháp để địa phương khỏi mang tiếng xấu và bảo vệ quyền lợi cho những người buôn bán, làm ăn chân chính”.
Thực tế, để ngăn ngừa việc bán hàng “chặt chém” khách hàng, những năm qua, ngành chức năng 2 huyện Bến Lức và Thủ Thừa đã triển khai nhiều giải pháp như tăng cường kiểm tra các quán ăn, giải khát ven QL1, nhất là vào những dịp lễ, tết. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu chủ quán niêm yết giá, bán đúng giá, bảo đảm an toàn thực phẩm,...
Đặc biệt, các xã thuộc 2 huyện Bến Lức và Thủ Thừa có tuyến QL1 đi qua còn dán số điện thoại nóng ở những khu vực dễ nhìn thấy để người dân tố cáo nếu phát hiện quán ăn “chặt chém” khách hàng, qua đó kịp thời xử lý. “Ngoài kiểm tra, xã cũng dán số điện thoại nóng để tiếp nhận phản ánh bán hàng “chặt chém” khách hàng. Thông tin tố quán ăn Bảo Châu bán hàng “chặt chém” khách là phản ánh duy nhất mà chúng tôi tiếp nhận được trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này” - Chủ tịch UBND xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức - Đặng Thanh Phương cho biết.
Trước vụ việc xảy ra tại quán ăn Bảo Châu, Chủ tịch UBND 2 huyện Bến Lức và Thủ Thừa đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra tại các quán kinh doanh dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra sẽ phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm; đồng thời, ngành chức năng yêu cầu các hộ phải thực hiện nghiêm quy định về kinh doanh như giấy phép kinh doanh, niêm yết giá, bán đúng giá, vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Cảnh tượng quán ăn Bảo Châu bị một số đối tượng đập phá vào chiều ngày 02/5
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo phòng, ban liên quan phối hợp các xã, thị trấn tăng cường, tập trung kiểm tra toàn bộ các quán kinh doanh dịch vụ ăn uống ven toàn tuyến QL1 đi qua địa bàn huyện trong tháng 5, trong đó chú ý đối với những quán có chủ là người ở nơi khác đến. Đầu tiên sẽ tiến hành kiểm tra các quán kinh doanh ăn uống dọc QL1 qua địa bàn 2 xã Nhựt Chánh, Thạnh Đức và sau đó tiếp tục kiểm tra các xã còn lại”.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Nguyễn Đăng Minh Xuân thông tin, đã chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra quán ăn, giải khát trên địa bàn, nhất là trên các tuyến giao thông huyết mạch của huyện.
Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Thủ Thừa - Đặng Đình Đáng cho biết: “Theo chỉ đạo này, tuần trước, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tập trung kiểm tra nhiều quán tại thị trấn và dọc QL62 thuộc địa bàn xã Mỹ An, Mỹ Phú. Tiếp theo, đoàn sẽ tập trung tiến hành kiểm tra các quán dọc QL1 qua địa bàn huyện”.
Trao đổi với phóng viên, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Phạm Đức Chinh cho biết, sau vụ việc xảy ra tại quán ăn Bảo Châu, hiện lực lượng quản lý thị trường đang tích cực phối hợp các ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra tại các quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó sẽ tập trung kiểm tra các quán ven QL1. Qua kiểm tra, sẽ xử lý nghiêm vi phạm và yêu cầu chủ quán khắc phục những hạn chế, tồn tại, đặc biệt là bán hàng đúng giá, niêm yết giá công khai để khách biết./.
Lê Đức