Để đạt được tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 6% thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 8%. Với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 6,5% thì 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt tới 8,9%. Trong bối cảnh xuất khẩu được dự báo vẫn tiếp tục gặp khó, cùng với gia tăng tìm kiếm thị trường mới, theo các chuyên gia, cần tạo thêm nhiều động lực để thúc đẩy mạnh mẽ 2 chân kiềng quan trọng là đầu tư công và tiêu dùng trong nước. Trong đó, điểm nhấn vẫn là cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường.
Báo cáo tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 (ngày 04/7/2023), Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Kịch bản 1: tăng trưởng GDP năm 2023 dự kiến đạt 6% và kịch bản 2: tăng trưởng cả năm có thể đạt 6,5%; Đồng thời nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hoá, công nghệ cao vào tăng trưởng; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài...
Từ kết quả 6 tháng đầu năm, đầu tư công tiếp tục là động lực chính để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và kéo theo sự phục hồi của doanh nghiệp và thị trường. Với hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 và bổ sung từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội) nếu giải ngân được trên 95% sẽ góp phần quan trọng đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nhìn nhận: "Kết quả giải ngân của các năm gần đây cơ bản đạt hơn 90%. Đấy cũng là cơ sở để chúng ta có niềm tin là từ nay đến cuối năm đạt mục tiêu của Thủ tướng đề ra…".
Ảnh minh họa: KT
Nhiều khuyến nghị nên tập trung đẩy mạnh đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, liên kết các vùng kinh tế gắn với thúc đẩy mạnh mẽ nguồn lực đầu tư của nhà nước vào các dự án mang tính bền vững (nhằm khắc phục và hạn chế được những tác động của biến đổi khí hậu, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, lâu dài), các chương trình mục tiêu quốc gia…
GS.TS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: "Chúng ta cũng nhìn thấy những vấn đề liên quan đến phân bổ về vốn đầu tư công đặc biệt là gói phục hồi kinh tế thì gần như năm vừa rồi là đã phân bổ hết. Cần điều chỉnh lại một số những khoản đầu tư công mà trong kế hoạch 6 tháng cuối năm và gói phục hồi nào chưa phù hợp thì điều chỉnh lại để làm sao đấy tăng thúc đẩy công lên, để tăng cầu về phía đầu tư - cầu của Chính phủ lên. Và tôi cho rằng có lẽ động lực về đầu tư công sẽ là một trong những động lực rất quan trọng, đã tháo gỡ được thì nó sẽ thúc đẩy…".
Dẫn chứng khó khăn của doanh nghiệp khi phải kéo dài thời gian kiểm tra chuyên ngành, sở hữu trí tuệ, hay đơn cử tăng các điều kiện, tiêu chuẩn mới của nguyên liệu thép không rỉ khiến nhiều doanh nghiệp thép đã khó lại chồng khó, ông Đậu Anh Tuấn - Phó TTK Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thực chất và phù hợp hơn - với điều kiện thực tế đang rất khó khăn của doanh nghiệp. Trong lúc đó, doanh nghiệp xuất khẩu lại đang phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ do nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonexia… lại đẩy mạnh nhiều chính sách phát triển xanh để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn nêu khuyến nghị: "Trong 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới về xuất khẩu thì đúng là doanh nghiệp đang khó khăn vì cầu của thế giới giảm rất mạnh. Nhưng trong bối cảnh này có thể hơn ai hết là hệ thống xúc tiến thương mại của chúng ta, hệ thống cơ quan thương vụ của chúng ta, rất nhiều tổ chức liên quan thì có lẽ phải đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Việt Nam đang có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nhưng có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, cho nên khả năng tự khai mở thị trường là rất khó,. Cho nên tôi cho rằng trong thời gian tới, có lẽ chúng ta phải khởi động một chương trình rất mạnh mẽ để đi mở mang thị trường, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp đi tìm kiếm bạn hàng, thậm chí mở cửa những thị trường mới mà doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được. Thì có lẽ phải có những việc khơi những động lực cho xuất khẩu như vậy...".
Đồng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương cho rằng, việc doanh đầu tư chuyển đổi xanh để đáp ứng các điều kiện ngày càng cao của thị trường là bắt buộc và không thể khác.
Theo ông Hải: "Cần đặc biệt chú ý đến các rào cản thương mại mới phát sinh. Ví dụ như các biện pháp phòng vệ thương mại, rồi các biện pháp liên quan đến lao động và môi trường, đặc biệt là hiện nay chính sách thương mại xanh sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động thương mại trong bối cảnh sắp tới. Đây là thời điểm doanh nghiệp của chúng ta cũng cần nhìn nhận để có cơ cấu về mặt nguyên liệu cũng như công nghệ, để có thể đáp ứng được yêu cầu về thương mại xanh, đặc biệt là đoạn sắp tới…".
Theo các chuyên gia, với chân kiềng tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, cần phải đẩy nhanh, đẩy mạnh việc thực thi có hiệu quả các giải pháp đã có nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, trong đó có việc giảm 2% thuế VAT cho nhiều loại hàng hoá, dịch vụ. Cùng với đó là chính sách kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày và có giá trị nhập cảnh nhiều lần vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ giữa tháng 8 năm nay, cũng được dự báo là cơ hội đón lượng lớn khách du lịch quốc tế, qua đó kích thích tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ trong nước…
Nguyên Long/VOV1